Sở Công thương các tỉnh thành và TP.HCM tìm giải pháp tiêu thụ thanh long Long An

Sở Công thương các tỉnh thành và TP.HCM tìm giải pháp tiêu thụ thanh long Long An

Lệ thuộc về thị trường, lệ thuộc về giá cả, lệ thuộc về sản lượng… thanh long, dưa hấu và nhiều nông sản trong nước đang đứng trước tình trạng rớt giá thê thảm vì Trung Quốc ngưng thu mua.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An trăn trở chuyện hàng ngàn nông dân trồng thanh long ở Long An phải phụ thuộc vào thái độ của nhóm người “tiền trạm” người Trung Quốc. Ảnh: Bắc Bình

Đó là khẳng định của bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An tại Hội nghị “Sở Công thương các tỉnh thành và TP.HCM tìm giải pháp tiêu thụ thanh long Long An” do UBND tỉnh Long An chủ trì tổ chức sáng 5.2 tại TP.Tân An (Long An).

80% thanh long do thương nhân Trung Quốc định giá

Hiệp hội Thanh long Long An thống kê đã có hơn 500 container với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg đã bị thương lái Trung Quốc hủy đơn hàng và hiện chỉ cho giá mới 4.000 đồng/kg. “Phần lớn các đại lý, kho chứa trên địa bàn tỉnh do người Trung Quốc điều hành, thao túng về giá. Điều này không những khiến cho nông dân hết sức rủi ro mà ngay cả cánh thương lái, cơ sở thu mua tại địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn do đã đặt cọc cho người trồng”, ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An phân tích.  

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, từ mùng 2 tết đến nay có hơn 260 container thanh long và dưa hấu từ Long An vẫn đang ùn ứ tại các cửa khẩu phía bắc. Mỗi ngày chi phí nhân công, nhiên liệu hơn 1 triệu đồng/container và lượng sản phẩm này đang đứng trước nguy cơ đổ bỏ. Để giải cứu, các cửa khẩu đã tạo điều kiện thông quan cho các container hàng hóa có hợp đồng mua bán với phía Trung Quốc. Riêng các sản phẩm cung cấp qua hợp đồng miệng thì vẫn phải ở lại. Hiện Long An đã tồn đọng hơn 3.000 tấn thanh long, đến cuối tháng thì con số này sẽ là hơn 20.000 tấn và sẽ không có giải pháp nào để tránh khỏi thiệt hại nghiêm trọng nếu virus nCoV vẫn chưa được kiểm soát. Lượng hàng tồn tại tỉnh Tiền Giang cũng ngang ngửa với con số tại Long An.

Dự kiến đến cuối vụ, nếu tình hình virus Corona không được kiểm soát thì Long An, Tiền Giang sẽ tồn đọng hơn 50.000 tấn thanh long. Ảnh: Bắc Bình

Ông Đặng Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, cho biết địa phương này cũng đang trước nguy cơ tồn đến 50.000 tấn sầu riêng, 22.000 thanh long, mít và khóm (dứa) hơn 30.000 tấn…

“Chúng tôi vẫn đang thực hiện “giải cứu” nông sản nhưng giải pháp ưu tiên là vận động tất cả các tổ chức thương mại trong tỉnh và chuẩn bị các chuyến xe nông sản về các xã, phường; các tổ chức công đoàn, đơn vị vũ trang… trước rồi sẽ có văn bản nhờ các tỉnh, thành cứu giúp”, ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ, cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng phải “giải cứu nông sản” trong thời gian qua là do các địa phương thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch vùng sản xuất nông sản và sự dễ dãi, không chịu cầu tiến theo chuẩn sản xuất “sạch” của người nông dân.
“Lượng hàng tiêu thụ tập trung chủ yếu qua đường tiểu ngạch đến thị trường Trung Quốc đến hơn 70% và tình trạng thương nhân người Trung Quốc thao túng toàn bộ quy trình sản xuất tiêu thụ là quá nhiều rủi ro. Không chỉ là thanh long và dưa hấu mà các mặt hàng nông sản khác cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Toại nói.

“Giải cứu mãi thì việc giải cứu không có ý nghĩa!”

Đó là nhận định của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM về câu chuyện “giải cứu” hàng nông sản hiện nay do “chết lây” bởi chủng mới virus nCoV.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM đề nghị các địa phương cần chỉ đạo một cách có hiệu quả việc hướng người nông dân sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn “sạch”. Ảnh: Bắc Bình

“Chúng tôi vẫn tích cực tham gia giải cứu nông sản với các tỉnh. Giải cứu thật ra là tăng cường kết nối thị trường chứ không phải cái gì lớn lao lắm nhưng cứ mà giải cứu mãi, giải cứu liên tục như thời gian qua thì việc giải cứu không còn nhiều ý nghĩa. Nhận được thư mời của Long An, tôi đã hỏi đại diện Sở Công thương Long An rằng chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường khác (ngoài Trung Quốc), cũng như các chuỗi cung ứng nông sản có tiêu chuấn, chất lượng “sạch” thì tôi nhận được câu trả lời là loại hàng chất lượng không có. Tôi nghĩ qua lần này, các địa phương và người nông dân cần phải thay đổi chứ đừng lạc quan với thị trường Trung Quốc như thời gian đã qua”, bà Huỳnh Trang nói. 

Theo bà Trang, việc giải cứu ở các lần trước đã xảy ra chuyện doanh nghiệp địa phương thấy có doanh nghiệp “giải cứu” tìm đến lại nâng giá lên cao hơn thực tế đang khó khăn. Các doanh nghiệp tham gia giải cứu từng phàn nàn.

Trong bối cảnh đang khó khăn, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An cũng cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp “gò” sản xuất theo hướng nông sản “sạch” một cách có hiệu quả. Đồng thời, phát huy tối đa mô hình kinh tế tập thể và gắn với các chuỗi giá trị theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh mà cụ thể là tỉnh Long An đang xem xét chỉ hỗ trợ đối với các tổ chức kinh tế tập thể.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, đánh giá cao cách “giải cứu” nông sản dựa vào nội tại mà tỉnh Tiền Giang đang thực hiện và yêu cầu các sở, ngành tỉnh Long An cần phải khẩn trương học tập, xem xét để áp dụng.

“Tôi mong rằng, thời gian tới chúng ta sẽ cân bằng, chủ động được thị trường tiêu thụ nhờ nông sản có chất lượng chứ không phải phụ thuộc giá cả vào nhóm người Trung Quốc tối ngủ ở TP.Tân An, sáng ra đi đến các khu vực Tân Trụ, Châu Thành, Tiền Giang xem xét tình hình rồi báo cáo về để thương nhân Trung Quốc cho giá mua nữa!”, ông Cảnh chỉ đạo.

Bắc Bình (Báo Thanh Niên) Link bài viết gốc: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/500-container-thanh-long-bi-trung-quoc-huy-don-hang-1178947.html

Share this post