Nông nghiệp hữu cơ hội nhập thị trường
Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ngành nông nghiệp của tỉnh đang hướng đến phát triển thị trường, phát triển chuỗi và mở những hợp đồng kinh tế lớn
Khai mở thị trường
Ở Lâm Đồng, những thuận lợi từ điều kiện tự nhiên đến con người đã biến nơi này thành vùng trồng trọt, chăn nuôi có ưu thế hàng đầu của cả nước.
Suốt thời gian qua, nhiều loại nông sản của tỉnh không chỉ chiếm thị phần lớn trong nước mà còn lấn ra thị trường quốc tế. Một cán bộ của tỉnh chia sẻ, dù ở thị trường nào, chất lượng nông sản cũng là yếu tố hàng đầu trong việc quyết định sự sống còn của DN.
Ông thổ lộ: “Trong tương lai, người dân sẽ thay đổi tư duy trong việc lựa chọn đồ ăn, thức uống. Ngoài tiêu chí ngon, đủ chất dinh dưỡng… họ sẽ hướng đến tiêu chí an toàn và vì thế, nông sản càng thuần tự nhiên càng có giá trị”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất trù phú của huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), ông Nguyễn Quốc Thắng kế thừa tinh hoa của người cha trong trồng trọt. Tuy nhiên, vẫn khu vườn ấy, vẫn trồng những loại cây cũ nhưng lại ở một phương thức hoàn toàn khác để giá trị nông sản tăng gấp 3 lần.
Ông Thắng là một trong những nhà nông đầu tiên phát triển mô hình hữu cơ ở xứ rau Đơn Dương. Năm 2007, khi từ “nông nghiệp hữu cơ” còn khá mới mẻ ở địa phương thì ông đã trồng 3.000m2 xà lách, ớt chuông và cà chua theo hữu cơ.
Đầu tư 100 triệu đồng cho 3 sào vườn nhưng năm đó, cái mà ông thu được không phải là nông sản “đẹp” mà là sự thất bại. Ông kể: “Hồi ấy tôi cải tạo đất và làm vành đai rất kỹ nhưng do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sâu, bệnh trên cây nhiều. Nấm hại lá, bệnh phấn trắng lây lan kinh khủng và cây còi cọc rồi chết và chả thu lại đồng nào”.
Thiệt hại nặng nhưng nông dân này không từ bỏ và tiếp tục học hỏi và rồi bắt tay vào làm lại. Năm 2008, vườn cây hữu cơ 3.000m2 của gia đình được chăm sóc cẩn thận hơn và dịch bệnh, sâu bọ cũng được kiểm soát.
“Một vấn đề lớn tôi gặp phải thời điểm đó chính là thị trường. Giá thành sản xuất cao nên rau, quả làm ra cũng phải bán với giá cao để thu hồi vốn. Do vậy, người dân, doanh nghiệp không mua nên số nông sản ấy chỉ biết để ăn, cho người thân, cho bạn bè sử dụng hoặc chấp nhận bán với giá ngang rau ngoài chợ”, nông dân Nguyễn Quốc Thắng thổ lộ.
Sau nhiều năm gắn bó, cuối cùng, ông Thắng cũng tìm được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm và con đường phát triển rau hữu cơ ngày càng mở rộng. Đến nay, gia đình ông đã nâng quy mô sản xuất lên 7,5ha, trong đó có 4,5ha rau thành phẩm, 3ha còn lại là vùng đệm và vườn ươm để cung cấp giống cho người dân trong vùng. Nguồn nông sản sạch từ nông trại của ông hiện đang được tiêu thụ bởi các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong nước.
Là nông dân nhưng ông Thắng có trình độ ngoại ngữ và có thể giao tiếp, làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Thỉnh thoảng, trang trại lại xuất hiện những người Nhật Bản, người Hàn Quốc hoặc người Mỹ. Trong số này có chuyên gia nông nghiệp, có thương nhân và cũng có cả người làm vườn đi học hỏi kinh nghiệm.
Ông thổ lộ: “Người nước ngoài họ tư duy lớn về nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là người Nhật Bản. Những người đến trang trại của tôi đều chia sẻ rằng, Organic là xu hướng phát triển trong tương lai và đó là cơ hội để nhà vườn phát triển”.
Cũng theo ông Thắng, những năm gần đây, vì quy trình sản xuất đảm bảo nên gia đình ông yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Ông cũng xác định, thị trường tương lai sẽ có chuyển biến mạnh nên lấy đó làm hệ quy chiếu để đầu tư, phát triển mô hình.
Cần hợp đồng kinh tế lớn
Một cán bộ Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, nông nghiệp hữu cơ là sự phát triển hiển nhiên và là xu thế của nền nông nghiệp thế giới. Ở Lâm Đồng đã hình thành những trang trại trồng rau, củ, quả Organic và đạt kết quả tốt. Tỉnh cũng ghi nhận nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đạt thành tựu cao mà điển hình là sữa Organic ở Trang trại Vinamilk Đà Lạt.
Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho hay, địa phương có ưu thế về trình độ canh tác nông nghiệp, điều kiện tự nhiên.
Ngoài ra, lãnh đạo các cấp chính quyền cũng hưởng ứng, khuyến khích người dân chuyển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi truyền thống sang hữu cơ để nâng cao giá trị.
“Lâm Đồng đang có diện tích nhà kính công nghệ cao rất lớn nên đây cũng là lợi thế. Thông thường, mô hình hữu cơ phải được sản xuất ở những vùng xa dân cư, đô thị, có sự cách ly và nhiều tiêu chí nghiêm ngặt… nên nhiều nơi rất khó triển khai.
Trong môi trường nhà kính, người làm vườn có được sự cách ly tốt và chỉ cần làm thêm vùng đệm, đảm bảo các tiêu chí hữu cơ là phát triển được”, ông Tuận phân tích.
Cũng theo ông Tuận, vấn đề mấu chốt hiện nay của tỉnh trong phát triển Organic vẫn là thị trường tiêu thụ. Ông cho rằng, các sản phẩm hữu cơ hiện nay ít có được sự “công bằng” trong thị trường. Người dân vẫn chưa thực sự quan tâm sản phẩm hữu cơ hoặc quan tâm nhưng không dám chi tiền để sử dụng sản phẩm. Chính điều này dẫn đến hệ lụy các nông sản Organic khó chiếm thị phần hoặc mức giá bán ra chỉ ngang bằng nông sản truyền thống.
Ông nhận định: “Ý thức tiêu dùng của người dân quyết định lớn đến sự phát triển của sản phẩm. Do vậy vấn đề nhận thức về thực phẩm sạch của người dân rất quan trọng. Ngoài ra, để ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển, chúng ta cũng cần hướng đến những hợp đồng kinh tế lớn, sản xuất theo các chuỗi giá trị”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương hiện có 32ha rau hữu cơ đã được chứng nhận và sản lượng đạt 318 tấn mỗi năm. Ngoài ra, hàng chục ha nông sản khác như cà phê, rau, củ… đang được người dân và các tổ chức nông dân thực hiện quy trình chăm sóc theo hướng Organic. Thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ để đưa ngành nông nghiệp lên tầm cao mới.
MINH HẬU – LÊ KHÁNH – nongnghiep/vn