Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chôm chôm
Chôm chôm được trồng nhiều ở khu vực nhiệt đới. Ngoài công dụng ăn tươi, chôm chôm còn có giá trị xuất khẩu mang lại nguồn thu kinh tế cao. Để cây chôm chôm cho năng suất, chất lượng cao đòi hỏi nhà vườn cần có kiến thức đầy đủ về cây trồng, trong bài viết hôm nay chúng tôi sẽ gửi tới quý bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chôm chôm nhằm đạt kết quả tốt nhất.
Chôm chôm được trồng nhiều ở khu vực nhiệt đới. Ngoài công dụng ăn tươi, chôm chôm còn có giá trị xuất khẩu mang lại nguồn thu kinh tế cao. Để cây chôm chôm cho năng suất, chất lượng cao đòi hỏi nhà vườn cần có kiến thức đầy đủ về cây trồng, trong bài viết hôm nay chúng tôi sẽ gửi tới quý bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chôm chôm nhằm đạt kết quả tốt nhất.
I.Khái quát cây chôm chôm
Ở nước ta cây chôm chôm được trồng nhiều ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Trong nhiều năm trở lại đây nhu cầu cây ăn trái tăng chính vì thế diện tích trồng cây ăn trái trong đó có chôm chôm ngày càng tăng cao.
Chôm chôm có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất phù sa thoát nước tốt, đất thịt pha cát, đất đỏ bazan, tầng canh tác dày, thoát nước tốt và có độ pH từ 4,5 – 6,5, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2000 – 5000 mm, nhiệt độ bình quân từ 220C – 300C.
Có thể kể tên một số giống chôm chôm nổi tiếng ở nước ta: chôm chôm trốc; chôm chôm nhãn; chôm chôm Dính; chôm chôm Thái…
II.Các biện pháp nhân giống cây chôm chôm
Một số cách cơ bản để nhân giống chôm chôm: gieo hạt, chiết, ghép.
- Gieo hạt: Phương pháp nhân giống này thường không được nhà vườn áp dụng nhiều bởi lâu cho trái và tỉ lệ hoa đực nhiều, năng suất không cao. Chính vì thế phương pháp này thường được nhà vườn sử dụng để lấy gốc ghép.
Cách thực hiện như sau: Bà con có thể gieo thẳng hạt xuống nền đất hoặc làm luống để gieo. Luống có thể rộng 1 – 1,2m, cao 20 – 30cm để tránh ngập úng.
Hạt chôm chôm sau khi tách vỏ và phần thịt thì bà con nên đem gieo ngay và tưới đẫm nước. Rồi dùng một lớp đất mỏng hoặc sử dụng rơm, xơ dừa… để phủ lên. Bà con có thể dùng lưới nông nghiệp để che chắn. Ngoài ra bà con cũng có thể gieo thẳng xuống bầu ươm và để vào nơi bóng mát.
Sau khi cây phát triển được 9 – 12 tháng là bà con có thể sử dụng làm gốc ghép được. Cây chọn làm gốc ghép là những cây có thân thẳng, không bị sâu bệnh, dị biến, từ 90 – 100cm, đường kính cây khoảng 1,5cm.
- Phương pháp ghép: Đây là phương pháp nhân giống chôm chôm phổ biến nhất. Bà con có thể ghép cửa số, ghép mắt nhỏ, ghép đoạn cành đều được.
+ Đối với phương pháp ghép đoạn cành:
Sau khi chọn được gốc ghép, ở gốc ghép bà con cắt đôi thân gốc ghép ( từ mặt bầu lên vị trí cắt khoảng 20 – 25cm) rồi dùng dao rạch dọc thân ghép khoảng 1,5 – 2cm.
Trên chồi ghép sau khi đã cắt bỏ lá thì bà con cắtgốc chồi ghép thành hình chữ V (khoảng 1,5 – 2cm) vừa với vết chẻ ở trên gốc ghép.
Cuối cùng bà con dùng dây nilon quấn chặt lại, sao không cho nước thấm vào làm hỏng vết ghép.
+ Chiết cành chôm chôm:
Sau khi chọn được cành chiết , bà con dùng dao hoặc kéo khoanh tròn cành chiết, hai đầu vết chiết thường cách nhau 4 – 6cm và cách gốc khoảng 20 – 25cm. Rồi dùng mũi dao tách vỏ, sau đó dùng giá thể đã chuẩn bị (xơ dừa, rễ bèo…) đắp vào vết chiết. Cuối cùng bà con dùng bao nilon bọc ngoài giá thể. Dùng dây quấn chặt tránh nước mưa chảy vào làm thối vết chiết.
Sau 3 – 4 tháng khi vết chiết bắt đầu ra rễ bà con chuyển cành chiết sang bầu khảng 5 – 6 tháng là có thể trồng.Tuy nhiên bà sau khi vết chiết ra rễ bà con cũng có thể chuyển ra trồng trực tiếp nhưng nhưng làm như thế cây sẽ yếu vàkhả năng thành công thấp.
III . Kỹ thuật trồng mới chôm chôm
Tùy vào địa hình và điều kiện tự nhiên của vùng trồng mà nhà vườn có thể chia mật độ và chuẩn bị đất trồng khác nhau, mật độ trung bình cây cách cây 8 – 12m.
Chúng ta có thể áp dụng phương pháp đắp ụ trên đất để cây không bị ngập úng cục bộ và có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp kỹ thuật kích thích ra hoa đậu quả sớm.
Nếu trồng theo cách đắp ụ thì bà con cần chú ý bồi ụ thật kỹ để tránh làm sạt lở đất khiến ảnh hưởng không tốt đến bộ rễ của cây. Riêng đối với Đồng bằng sông Cửu Long tuỳ theo mực nước mà bà con đắp ụ hoặc lên liếp tối thiểu cao hơn mặt nước từ 80 – 100cm và hố trồng căn cứ vào mặt liếp mà vận dụng.
Quy cách hố trồng: Bà con có thể đào với khoảng cách 60 x 60 x 60cm đến 80 x 80 x 80cm.
Khi làm bồn xong bà con nên bón lót 2 – 3kg phân bón hữu cơ 1 gốc. Đảo đều với đất, tưới nước giữ ẩm sau 20 – 30 ngày mới xuống giống sẽ giúp cây phát triển tốt và tăng khả năng đề kháng sâu bệnh hại về sau.
IV. Kỹ thuật bón phân cho cây chôm chôm
1.Giai đoạn kiến thiết
Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1 – 1,5 tháng bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 0,2 – 0,5kg phân bón hữu cơ
Năm thứ 2: Lượng bón cho một gốc là 5 – 10kg phân bón hữu cơ, chia làm 2 lần để bón vào đầu và cuối mùa mưa.
Nếu chủ động nguồn nước bà con nên chia nhỏ số lần bón theo mỗi đợt cơi sẽ đạt hiệu quả cao hơn, bón 5 – 6 lần/năm mỗi gốc 1 – 2kg phân bón
Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho quả, lượng bón cho một cây là 8 – 12kg, chia ra bón 2 lần vào trước ra hoa và sau khi thu hoạch.
Nếu chủ động nguồn nước nên chia nhỏ số lần bón như năm thứ 2 nhưng vẫn tập trung cho 2 lần chính là trước ra hoa và sau khi thu hoạch.
2. Giai đoạn kinh doanh
Chia thành 4 lần bón chính:
Lần 1: Sau khi thu hoạch quả tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, bón cho mỗi gốc 4 – 6kg phân bón hữu cơ
Lần 2: Trước khi ra hoa (khi đợt đọt thứ 2 chuyển từ màu nâu nhạt sang màu xanh đọt chuối): bón cho mỗi gốc 4 – 5kg phân bón hữu cơ. Bổ sung ít lân và kali cho cây cứng cáp và tăng khả năng phân hóa mầm hoa.
Lần 3: Sau đậu trái 20 – 30 ngày, bón cho mỗi gốc 4 – 5kg phân bón hữu cơ kết hợp thêm kali để trái đều đẹp giảm tỷ lệ rụng do thiếu hụt dinh dưỡng.
Lần 4: Sau đậu trái 60 – 70 ngày, bón cho mỗi gốc 4 – 5kg phân bón hữu cơ kết hợp thêm kali để trái đều đẹp tăng phẩm chất.
Phương pháp bón phân: Phân được bón xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, không bón quá gần gốc, tưới nước ngay sau khi bón, không để quá lâu làm giảm chất lượng phân bón.
Nếu chủ động nguồn nước nên chia nhỏ số lần bón như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhưng vẫn tập trung phân bón cho 4 lần chính như trên để cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
Quy trình cân đối cho cây kinh doanh cho năng suất 100 – 150kg/cây. Tùy vào năng suất và thổ nhưỡng từng vùng mà bà con cân đối lượng phân bón cho phù hợp. Những năm sau để đảm bảo cây cho quả ổn định, lượng phân bón được tăng dần lên trung bình 2 – 3kg mỗi năm.
V. Kỹ thuật tỉa cành tạo tán cây chôm chôm
Thông thường việc tỉa cành của cây chôm chôm được chia làm hai giai đoạn chính: thời kỳ kiến thiết cơ bản, thời kỳ sau thu hoạch.
1.Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản:
Thời kỳ này bà con cần loại bỏ các cành sâu bệnh, cành khô, cành mọc vượt.
Lần 1:Khi thân cây cao khoảng 80 – 90cm thì bà con cần bấm đọt cây, loại bỏ các cành yếu, sâu bệnh bà con chỉ nên để lại 2 – 3 chồi khỏe mạnh.
Lần 2: Khi các cành cấp 1 phát triển được 70 – 80cm thì bà con tiếp tục bấm đọt. Để lại khoảng 2 chồi khỏe mạnh để tiếp tục phát triển cành cấp 3.
Bà con cần lưu ý đến khi cành cấp 3 phát triển thì bà con không cần giới hạn số lượng, nhưng cũng cần tỉa bỏ bớt những cành yếu, sâu bệnh cây phát triển tốt và cân đối. Đặc biệt trong 3 năm đầu phát triển của cây thì bà con cần phải thực hiện tỉa cành thường xuyên để cây có bộ khung chắc, chống gãy đổ.
2.Thời kỳ sau thu hoạch:
Thời kỳ này bà con chỉ cần loại bỏ các cành sâu bệnh, cành khô, những cành không có khả năng cho trái…Sau khi cắt tỉa cành bà con cần bón phân, tưới nước để cây phục hồi.
Khi tỉa cành thì bà con nên chọn những ngày thời tiết khô ráo, không nên làm trong thời kỳ cây đang ra lộc.
Tạo tán cho cây chôm chôm:
Bà con có thể tạo tán hình mâm xôi hoặc hình cầu đều được. Thông thường việc tạo tán sẽ được thực hiên cùng thời điểm với tỉa cành. Việc tạo tán sẽ giúp cây có bộ khung chắc, tránh đổ ngã trong mùa mưa, hạn chế nấm bệnh phát triển.
VI. Sâu bệnh hại trên cây chôm chôm
- Bệnh phấn trắng
Bệnh phấn trắng do nấm Oidium sp gây nên. Nấm xuất hiện nhiều khi độ ẩm trong không khí cao, nhiệt độ thấp. Nấm xuất hiện trên hoa, trái non và lá non và hút chích dịch từ các bộ phận này của cây. Bệnh xuất hiện với mật độ cao sẽ khiến trái bị biến dạng, rụng trái, lá non làm giảm năng suất và hạn chế khả năng phát triển của cây.
- Bệnh thối trái
Bệnh xuất hiện khi trái chín gặp thời tiết nóng, lượng mưa nhiều,vườn cây rậm rạp, ánh sáng ít.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là những đốm nhỏ sau khi gặp thời tiết thuận lợi, bệnh phát triển và lây lan khiến trái bị thối nhũn và rụng làm giảm năng suất.
- Bệnh bồ hóng
Bệnh thường xuất hiện ở trên lá, trái của cây chôm chôm. Dấu hiệu nhậ biết bệnh là những đốm với sợi nấm có màu đen như bồ hóng bám trên mặt lá, trái. Bệnh xuất hiện với mật độ lớn khiến trái bị rụng, giảm giá trị thương phẩm và năng suất, cây khó quang hợp và tổng hợp chất dinh dưỡng.
- Bệnh cháy lá
Bệnh phổ biến vào mùa nắng ở trên các lá trưởng thành khiến lá bị cháy, khô, bắt đầu từ phần ngọn lá vào cuống lá. Bệnh xuất hiện làm giảm khả năng quang hợp, tổng hợp chất dinh dưỡng của cây.
- Rệp sáp
Là một trong những loại gây hại phổ biến nhất trên cây chôm chôm. Rệp gây hại ở mọi thời kì của của trái, đặc biệt là thời kỳ trái non khiến trái bị rụng, rệpsáp phát triển tạo môi trường thuận lợi cho bệnh bồ hóng phát triển.
- Sâu ăn bông
Khi còn nhỏ, ấu trùng của sâu bám sát vào bông nên rất khó phát hiện, sâu trưởng thành ăn trụi các bông của cây, sâu tấn công từ khi bông vừa nhú ra cho tới giai đoạn đậu trái làm giảm năng suất của chôm chôm.
- Sâu đục quả
Sâu chủ yếu hoạt động vào buổi tối, các con cái đẻ trứng lên cuống hoặc thân của chôm chôm non. Sâu non chui vào ăn sâu vào phần thịt quả. Sâu gây hại từ lúc trái non đến khi thu hoạch, khiến năng suất, chất lượng trái giảm.
VII. Thu hoạch và bảo quản chôm chôm
Tùy vào từng giống mà bà con có thời điểm thu hoạch thích hợp thường từ khi chôm chôm ra hoa đến khi thu hoạch là khoảng 3,5 – 4 tháng. Bà con thu hoạch những có màu vàng, đỏ sậm…
Bà con không nên thu hoạch hết một lần mà bà con nên chia thành nhiều đợt thu hoạch đển trái có sự đồng đều, mẫu mã đẹp và tránh côn trùng sâu hại tấn công.