Thực phẩm sạch có thực sự sạch như bạn nghĩ ?
I.Thực trạng thực phẩm tại nước ta
Khi ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, tình trạng lạm dụng các chất hóa học, thuốc BVTV để nâng cao năng suất nông sản ngày càng tràn lan,canh tác vì lợi nhuận là chính.
Hậu quả là con người đang phải tiêu thụ những thực phẩm chứa đầy những chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là ngộ độc đến mức tử vong và còn gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Điều này dẫn đến xu hướng người tiêu dùng luôn muốn tìm kiếm những thực phẩm sạch để phục vụ cho nhu cầu của gia đình mình. Dẫn đến nhà nhà , người người đua nhau canh tác theo hướng thực phẩm sạch để đáp ứng thị trường.
Nhưng bạn đã biết được, canh tác như thế nào thực phẩm mới được gọi là thực phẩm thực sự “sạch”. Đó là vấn đề mà bài viết hôm nay sẽ giải thích rõ đến bạn.
II. Các quy trình sản xuất thực phẩm sạch hiện nay tại nước ta
Trước những mối lo lắng về an toàn thực phẩm thì những tổ chức, những cá nhân sản xuất đã liên kết với nhau và cho ra những bộ tiêu chuẩn để đánh giá các sản phẩm, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng và góp phần cải thiện môi trường.
VietGAP và GlobalGAP là 2 bộ tiêu chuẩn phổ biến nhất đã từng được áp dụng tại nước ta. Các tiêu chuẩn trong VietGAP đơn giản hơn và chỉ đáp ứng được thị trường trong nước, không thể xuất khẩu qua những thị trường khó tính.
1. VietGap
VietGAP (là cụm từ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices): Có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm.
Là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch sao cho đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Tiêu chuẩn VietGAP có quy định và danh sách những loại thuốc BVTV được sử dụng trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau. Các sản phẩm muốn đạt được chứng nhận VietGAP phải thông qua 70 tiêu chí với lệ phí chứng nhận là 30 – 40 triệu đồng/năm/20ha.
2. GlobalGAP
GlobalGAP (Global Good Agricultural Practices, tên sơ khai là EUREPGAP): với những tiêu chuẩn khắt khe hơn, đáp ứng được yêu cầu của quốc tế để xuất khẩu.
Được xây dụng bởi một hiệp hội bình đẳng của các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ, các tổ chức dịch vụ, các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp, các tổ chức chứng nhận, các công ty tư vấn, các nhà sản xuất phân bón và thuốc BVTV, các trường đại học,… và các hiệp hội của họ.
Một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu, bao gồm toàn bộ các quá trình sản xuất ra sản phẩm được chứng nhận từ đầu vào trang trại như thức ăn, giống, và các hoạt động nuôi trồng cho đến khi sản phẩm rời khỏi trang trại.
Các sản phẩm muốn đạt được chứng nhận GlobalGAP phải thông qua 234 tiêu chí với lệ phí 2500 – 5000 USD/năm/50ha, rất đắt đỏ.
Trong các tiêu chuẩn có thể quan tâm nhất chính là mức giới hạn tối đa dư lượng (MRL) những chất gây hại, chất hóa học từ thuốc BVTV còn tồn đọng lại trên sản phẩm. Mỗi loại thuốc BVTV đều có mức quy định cụ thể cho từng loại sản phẩm.
Luật dư lượng thuốc trừ sâu của EU liệt kê khoảng 1.100 loại được sử dụng trong nông nghiệp trong và ngoài EU. Nguyên tắc quan trọng của luật mới này là an toàn thực phẩm sẽ được ưu tiên hơn bảo vệ thực vật.
III. Vô vàn khó khăn cho nhà nông Việt Nam canh tác theo hướng VietGap và GlobalGap
Đối với nhà nông Việt Nam, để thực hiện được quy trình canh tác theo chuẩn VietGap hay GlobalGap là một điều cực kỳ khó thực hiện.
Nhà nông phải đăng ký với cơ quan chịu trách nhiệm, bản thân phải trau dồi các kiến thức về kỹ thuật canh tác, tuân thủ các quy định khắt khe của bộ tiêu chuẩn.
Ngoài những bất cập thì có một điểm gây trở ngại chung chính là sự rườm rà thủ tục, quy trình còn nhiều điều phức tạp, khó khăn, đòi hỏi chi phí cao, vẫn cho phép người trồng sử dụng các chất hóa học, các chất BVTV ở mức quy định chứ chưa hoàn toàn “sạch” tuyệt đối, chưa hoàn toàn bỏ sử dụng chất hóa học như hướng hữu cơ bền vững.