Lợi ích từ sản xuất rải vụ trong nông nghiệp
Sản xuất rải vụ đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trên thực tế, tỉnh ta có nhiều loại cây trồng, như: cam, bưởi, dứa, một số loại rau… đang được người dân thực hiện rải vụ, mang lại giá trị kinh tế cao và khắc phục được tình trạng “được mùa, mất giá”.
Tại Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đã định hướng và khuyến khích phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung quy mô lớn, phát triển bền vững cây ăn quả thành cây trồng chủ lực góp phần cơ cấu lại ngành trồng trọt, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho Nhân dân. Do đó, các địa phương đã khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả cả về diện tích và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 21.262 ha và dự kiến đến hết năm 2020 sẽ đạt 22.568 ha, tăng so với năm 2016 là 8.275 ha và tăng tới 60,8% so với diện tích cây ăn quả năm 2014, sản lượng trung bình đạt hơn 400.000 tấn/năm. Nhiều loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao vượt trội cho người dân, như: cam, bưởi, doanh thu bình quân đạt 350 – 500 triệu đồng/ha/năm; dứa đạt 250 – 350 triệu đồng/ha/năm… Tuy nhiên, khi diện tích cây ăn quả được mở rộng thì bài toán về tiêu thụ trở thành vấn đề bức thiết.
Trên địa bàn xã Hà Long (Hà Trung) hiện có hơn 600 ha dứa. Thông thường, cây dứa vào vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Với diện tích lớn, khi vào mùa giá xuống thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Thậm chí, có những năm, tình trạng dứa ế khiến người trồng lao đao. Để tránh tình trạng đó, người trồng dứa trên địa bàn xã đã tìm hiểu để điều chỉnh lịch thời vụ trồng dứa. Theo người dân địa phương, rải vụ cho cây dứa là biện pháp chủ động xử lý, điều chỉnh cây ra quả lệch vụ – sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm thu hoạch bình thường, để tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn, với sản lượng lớn.
Gia đình ông Lê Minh Công, thôn Yến Vỹ, có 2,5 ha trồng dứa. Với kinh nghiệm nhiều năm và nắm bắt được quy luật ra hoa kết quả của loại cây trồng này, từ năm 2017, ông đã áp dụng kỹ thuật rải vụ cho gần 1 ha. Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng dứa trái vụ, ông Công giới thiệu: Thông thường từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm dứa chín rộ nên giá thành không cao. Do đó, ngoài việc xuống giống sớm, hoặc muộn hơn thời vụ, gia đình còn buộc ngọn để dứa cho quả lệch so với vụ chính 1 – 2 tháng. Sau khi thử nghiệm năm đầu, hiệu quả ngoài mong đợi. Diện tích dứa của gia đình tránh được đợt giá thấp. Hơn nữa, dứa chín vào tháng 8 trở đi ít mưa nên sẽ ngọt hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tại vụ dứa năm 2019, nhờ thực hiện rải vụ nên dù thời điểm chính vụ giá xuống thấp 2.000 – 3.000 đồng/kg nhưng bình quân gia đình ông vẫn bán với mức giá 5.000 – 6.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn và nhất là không bị áp lực cảnh “được mùa mất giá”.
Một thực tế là những năm gần đây, nông dân trong tỉnh ồ ạt mở rộng diện tích một số cây ăn quả, như: thanh long, cam, bưởi, chanh leo… không theo quy hoạch dẫn đến giá thành cây ăn quả của tỉnh lên xuống thất thường, khiến nhiều hộ dân thu nhập không ổn định. Do đó, thực hiện rải vụ đối với các loại nông sản chính là giải pháp làm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, giá bán ổn định quanh năm. Bên cạnh đó, thông qua quá trình thực hiện, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, uy tín, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Hiện tại, đa phần các loại cây trồng có quy mô lớn, mang tính hàng hóa đều được người dân sản xuất rải vụ. Tuy nhiên, việc sản xuất rải vụ cũng gặp những khó khăn do người sản xuất thiếu quy trình kỹ thuật cho từng loại cây, phù hợp cho từng vùng. Một trong những biện pháp kỹ thuật cơ bản của sản xuất rải vụ là sử dụng chất kích thích nhưng việc sử dụng nhiều sẽ làm cây mất cân bằng về sinh lý, dinh dưỡng, suy kiệt, giảm sức chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường, tăng nguy cơ sâu, bệnh gây hại… Do đó, nhằm đẩy mạnh, bảo đảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất rải vụ cây trồng, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng, chỉ đạo, điều phối thực hiện tốt lịch thời vụ; có sự liên kết giữa các địa phương, đơn vị liên quan bảo đảm đầu ra cũng như hiệu quả mà sản phẩm nông sản mang lại.
Bài Và Ảnh: Lê Ngọc