Nông dân làm giàu từ ‘hạt ngọc’ trên non
Nhờ trồng giống lúa được ví như “hạt ngọc” cho năng suất tốt, giá thành cao, người dân xã đồi núi, vùng cao Đăng Hà (Bình Phước) đã làm chủ kinh tế từ cây lúa.
Đăng Hà là xã đồi núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Bù Đăng (Bình Phước), với 75% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng, Dao từ phía Bắc di cư vào lập nghiệp mang theo nghề trồng lúa nước. Những năm gần đây, bên cạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, việc đưa giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt như đài thơm 8 vào gieo trồng đã góp phần nâng cao giá trị thương mại của hạt gạo, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Thu nhập cây lúa gấp 3 cây điều
Là một trong những hộ gia đình gắn bó lâu năm nhất trên mảnh đất này, ông Chu Văn Tính (thôn 2, xã Đăng Hà) cho biết, gia đình ông rời Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp từ những năm 1990.
Trước đây ông chủ yếu trồng các loại giống lúa dài ngày và canh tác theo kiểu truyền thống với phương châm “lấy công làm lời”. Theo đó, mỗi năm gia đình ông chỉ làm được 2 vụ, năng suất mỗi vụ chỉ gần 4 tấn/ha. Năm 2018, được trung tâm khuyến nông huyện vận động trồng giống đài thơm 8, do giống mới nên ông chỉ trồng thử nghiệm 5 sào, không ngờ giống lúa này lại ít sâu bệnh, chỉ mất gần 100 ngày là cho thu hoạch, năng suất cao với sản lượng hơn 6 tạ/sào. Đến nay toàn bộ diện tích đất của gia đình ông đã phủ kín bằng loại giống này”.
Nói về chất lượng gạo từ giống lúa mới, ông Tính chia sẻ, khi mang lúa đi xát thấy hạt gạo thon dài, trong, không bạc bụng nhìn rất bắt mắt. Khi nấu lên ăn thử thì thấy cơm dẻo, ngon có mùi thơm nhẹ, chính vì vậy, sản phẩm làm ra tới đâu là có thương lái đến tận ruộng thu mua hết tới đó, giá bán cao hơn so với các loại lúa trước đây.
Ông Tính cho biết thêm, nhờ trúng mùa lúa và bán được giá cao, để giảm chi phí đầu tư và công lao động, năm 2019, ông mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất như máy cày, máy xới, máy gặt… Qua đó, không chỉ gia đình ông chủ động được mùa vụ, ông còn hỗ trợ bà con trong vùng để cùng nhau phát triển cây lúa. “Nhờ vào giống mới, mỗi năm tôi làm 3 vụ, trung bình mỗi vụ thu trên 6 tấn/ha, sau khi trừ chi phí gia đình tôi bỏ túi gần 50 triệu đồng/vụ. So với các loại cây trồng khác trong khu vực như điều, thì lúa cho thu nhập gấp 3 lần” ông Tính khoe.
Hướng đến sản xuất lúa hữu cơ
Toàn xã Đăng Hà hiện có hơn 1.000 ha lúa, để từng bước giúp bà con khấm khá lên từ cây lúa, những năm qua, chính quyền địa phương nơi đây đã định hướng nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao, chất lượng sản phẩm.
Là một trong 18 hộ tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ, ông Đinh Văn Hiệp ở thôn 2, xã Đăng Hà cho biết, trước đây bà con quen với sản xuất theo kiểu truyền thống, thường xuyên lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, từ đó không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn mất một khoản chi phí khá lớn vào cây lúa. Từ khi sản xuất theo hướng hữu cơ, cây lúa vẫn sinh trưởng rất tốt nhưng chi phí phân bón, nhân công chăm sóc giảm đáng kể nên sau hơn 3 tháng sản xuất, lợi nhuận trong mô hình tăng khoảng 10 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. “Với giống lúa đài thơm 8 và quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân Đăng Hà có thể “sống khỏe” nhờ cây lúa”, ông Hiệp chia sẻ.
Tiến tới xây dựng thương hiệu
Để giải bài toán thương hiệu, chính quyền địa phương đã và đang cùng với người dân tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”. Theo đó, để xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà”, UBND huyện Bù Đăng đã xây dựng đề án “ mỗi năm huyện xây dựng 20 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”, tạo tiền đề để định hướng người dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã lúa gạo.
Ông Huỳnh Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết, đầu năm 2019, dưới sự hỗ trợ của trung tâm, xã Đăng Hà đã thành lập được Tổ liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ gồm 18 thành viên. Tất cả các hộ tham gia tổ liên kết có đất liền kề nhau, thuận lợi về nguồn nước tưới để khi xuống giống thực hiện đồng loạt và có thể kiểm soát được sâu bệnh hại. Ngoài ra, do địa hình của địa phương chủ yếu là đồi núi, người dân thiếu sân phơi, UBND huyện Bù Đăng cũng đã hỗ trợ máy sấy lúa có sự đối ứng của người dân để sử dụng cho công đoạn phơi lúa và làm ra hạt gạo. Thời gian tới, Trung tâm sẽ vận động bà con thành lập HTX để tập trung sản xuất lúa hữu cơ, tiến tới tạo thương hiệu cho gạo Đăng Hà.
Song song đó, với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Sở NN&PTNT đang triển khai đề án hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng gạo Đăng Hà. Trong quá trình triển khai, Sở phối hợp xã tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất; hỗ trợ vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ; kiểm tra, giám sát thực hiện mô hình và cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn cho các hộ tham gia.
Xu thế của người tiêu dùng đang hướng đến nông sản sạch để bảo vệ sức khỏe nên nhu cầu gạo ruộng sạch, không chất bảo quản, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật luôn được “thượng đế” săn lùng. Xây dựng thương hiệu “Gạo Đăng Hà” là việc làm khó, chưa thể làm được ngay, nhưng nếu được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong việc liên kết và thực hiện nghiêm quy trình sản xuất thì việc khẳng định giá trị hạt gạo Đăng Hà trên thị trường sẽ không còn quá xa vời.
Trần Trung – nongnghiep.vn