Thuần hóa rau rừng, đưa vào siêu thị và nhà hàng nổi tiếng
Trên đất lúa kém hiệu quả, người dân phường Gia Lộc (Tây Ninh) đưa cây rau hoang dại trong tự nhiên (rau rừng) về trồng theo chuẩn VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhắc đến Tây Ninh, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự hùng vĩ của núi Bà Đen, kiến trúc độc đáo của Tòa thánh Tây Ninh hay những món đặc sản làm nên thương hiệu địa phương như bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương… Có lẽ ít ai lại biết đến một món đặc sản khác đang nổi lên gần đây của vùng đất “độc – lạ” này, đó chính là rau rừng.
Lạ mắt vườn rau rừng… thẳng cánh cò bay!
Khác hẳn với sự nhộn nhịp của các xã phường nằm trong khu vực trung tâm thị xã Trảng Bàng, phường Gia Lộc được bao quanh bởi những tán rừng cao su bạt ngàn, những cánh đồng lúa thẳng tắp, cùng với đó, những vườn rau rừng thẳng cánh cò bay nối đuôi nhau từ nhà này sang nhà khác tạo nên bức tranh đồng quê đa sắc màu.
Đến thăm gia đình ông Lê Văn Ngọc, một trong những hộ đầu tiên của địa phương đưa rau rừng vào canh tác, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ, chẳng bao giờ ai nghĩ những loại rau hoang dại mọc ven sông, trên rừng ngày xưa như: trâm ổi, lộc vừng, mặt trăng, sơn máu, quế vị, cóc,… tưởng chừng như tuyệt chủng bởi diện tích rừng ngày thu hẹp và nạn khai thác quá mức theo kiểu tận diệt, lại đâm chồi nảy lộc phủ khắp trên mặt sân vườn. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn chỉ với hơn 5.000 m2 đất trồng rau rừng nhưng mỗi tháng đem về thu nhập cho gia đình ông Ngọc hàng chục triệu đồng.
Theo ông Ngọc, mặc dù sở hữu hơn 1 ha đất trồng lúa, thế nhưng, trước đây kinh tế của gia đình ông và nhiều người dân nơi đây vẫn bấp bênh bởi điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không phù hợp dẫn đến lúa kém phát triển, năng suất thấp. Ngoài thời gian đồng áng, hầu hết kinh tế bà còn đều dựa vào nghề tay trái là hái rau rừng ven sông Vàm Cỏ để mưu sinh. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng về nguồn rau rừng sạch ngày càng lớn bởi từ đây loại rau không thể thiếu khi ăn kèm với 2 món đặc sản của địa phương là bánh tráng phơi sương và bánh canh khiến nguồn rau rừng trong tự nhiên ngày một khan hiếm.
Để chủ động nguồn rau cung cấp cho thực khách quanh năm mà không lệ thuộc vào cây thiên nhiên, ông Ngọc đã lặn lội tìm kiếm, bứng từng cây về thuần hóa trên đất ruộng. Ông Ngọc cho biết, ban đầu do chưa có kỹ thuật canh tác, cây còi cọc, cho năng suất và tỷ lệ sống không cao. Sau một thời gian đúc rút kinh nghiệm, biết được đặc tính là những cây sống ven sông cần độ ẩm cao, ông đã mạnh dạn đào nhiều rãnh nước trong vườn, từ đó, vườn rau rừng ngày càng xanh tốt.
“Rau rừng ở đây vốn là những loại cây hoang dã nên chịu được môi trường khắc nghiệt, ít gặp sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần giữ độ ẩm tốt là cây tự sinh trưởng và phát triển. Đáng chú ý cây ra lá và đọt quanh năm, càng thu hoạch cây càng bung nhiều đọt, sản lượng thu hoạch năm sau luôn cao hơn năm trước, chỉ với 5 công đất (tương đương 5.000m2 đất) trung bình mỗi ngày tôi thu hoạch từ 30 đến 50 kg, với giá bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu nhập không dưới 500 ngàn đồng/ngày, nếu như so với trồng lúa có thể nói tăng gấp bội”, ông Ngọc tiết lộ.
Mở đường rau rừng “xuống phố”
Thấy mô hình trồng rau rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân địa phương cũng đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa kém năng suất sang trồng rau rừng. Cùng với đó, các tổ hợp tác (THT) rau rừng cũng dần hình thành nhằm liên kết sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đó tổ liên kết rau rừng Thanh Thúy do anh Nguyễn Hồng Mao ấp Lộc Trác làm tổ trưởng là một trong những tổ hoạt động hiệu quả.
Theo anh Mao, mỗi loại rau rừng của địa phương đều mang đặc tính khác nhau, nếu rau lộc vừng, trâm ổi làm cho nhiều thực khách phải “rùng mình” vì vị chát của nó, thì rau sơn máu có vị đắng nhẹ và ngọt hậu, rau mặt trăng, quế vị rừng có hương thơm mát, tất cả các loại hòa quyện vào nhau tạo thành một kiệt tác về ẩm thực. Ai đã từng thưởng thức qua đều không thể nào quên, đó là một trong những yếu tố khiến rau rừng tại địa phương có chỗ đứng trên thị trường.
Anh Nguyễn Hồng Mao chia sẻ thêm: Xác định thực phẩm sạch có vai trò quan trọng làm nên thương hiệu rau rừng của địa phương, ngay từ khi thành lập, tổ đã định hướng toàn bộ bà con phải sản xuất theo hướng Vietgap. Đến nay tất cả các sản phẩm rau rừng của Tổ đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn, từ đó, người tiêu dùng rất an tâm và tìm đến tổ để mua sản phẩm ngày một nhiều.
“Vietgap như là giấy thông hành của tổ liên kết, từ đó, rau rừng của Tổ hợp tác không chỉ có người tiêu dùng tại địa phương sử dụng, Tổ còn kết nối được với các hệ thống nhà hàng nổi tiếng tại TP.HCM như chuỗi nhà hàng Hoàng Ty và các siêu thị có tiếng như Aeon, Coop.Mart… giúp các tổ viên và bà con trong vùng có thu nhập ổn định”, anh Mao bộc bạch.
Ông Lê Văn Hòa – Chủ tịch Hội nông dân phường Gia Lộc, TX.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết: Toàn xã có khoảng 30 hộ gia đình tham gia Tổ liên kết rau rừng Thanh Thúy do anh Mao làm tổ trưởng. Hộ nào ít cũng có một công (1.000m2), hộ nhiều thì 6 – 7 công. Trung bình mỗi công cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của vùng đất Trảng Bàng. Dự kiến địa phương sẽ vận động nhân dân tiếp tục nhân rộng mô hình này để ổn định cuộc sống.