Nông nghiệp hiện đại trước hết phải là nền nông nghiệp an toàn
Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh ấy, nông nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để sớm trở thành một nền nông nghiệp hiện đại?
Báo NNVN đã trao đổi với PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, quanh vấn đề này.
Theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, trước hết, chúng ta phải đồng ý với nhau thế nào là một nền nông nghiệp hiện đại. Ông cho rằng không phải cứ làm nhà kính, làm nhà lưới thật nhiều thì đó là nông nghiệp hiện đại. Mà một nền nông nghiệp hiện đại thì phải đáp ứng được 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế, phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.
Đó là mục tiêu tổng quát. Trên cơ sở đó, cần xác định những mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn phát triển bằng các tiêu chí cụ thể và xây dựng một hệ thống chính sách phục vụ cho mục tiêu đó. Chính sách phải huy động được mọi nguồn lực từ nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và nước ngoài để đầu tư vào nông nghiệp (nhân lực, vốn và công nghệ).
Thưa ông, một nền nông nghiệp hiện đại thì yêu cầu tối thiểu của nó phải là gì?
Muốn có một nền nông nghiệp hiện đại, trước hết, ta phải lấy mức tối thiểu là một nền nông nghiệp an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng trong và ngoài nước, an toàn cho môi trường sinh thái.
Hiện nay chúng ta đã thực sự an toàn thực phẩm hay chưa? Tiêu chuẩn an toàn tối thiểu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là VietGAP. Hàng năm, ngành nông nghiệp vẫn đang công nhận chỗ A, chỗ B, chỗ C đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Nhưng diện tích, sản lượng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP chiếm được bao nhiêu phần trăm? Còn lại một diện tích lớn, sản lượng lớn chưa đạt tiêu chuẩn VietGAP hay bất cứ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nào khác, nhưng vẫn đang nghiễm nhiên được lưu thông, buôn bán trên thị trường nội địa. Đó là một nền nông nghiệp đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp, có đúng vậy không?
Lượng nông sản làm ra mỗi năm, phần lớn đang được cung cấp cho gần 100 triệu người trong nước, phần nhỏ còn lại dành cho xuất khẩu.
Thị trường 100 triệu dân rất lớn, rất quan trọng. Chính vì vậy, điều đầu tiên mà nền nông nghiệp hiện đại phải làm được là cung cấp sản phẩm an toàn cho toàn xã hội. Tiêu chuẩn VietGAP đã là tiêu chuẩn thấp nhất thì phải phấn đấu làm cho bằng được.
Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần xây dựng và triển khai chương trình quốc gia toàn dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nông sản an toàn cho thị trường nội địa. Chỉ nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP trở lên mới được lưu thông, buôn bán. Nông sản không đạt tiêu chuẩn VietGAP thì dứt khoát không được cho lưu thông.
Mặt khác, một nền nông nghiệp an toàn phải bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho mọi người dân Việt Nam. Một nền nông nghiệp hiện đại trước hết phải đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho tất cả mọi gia đình, người dân Việt Nam. Họ phải có khả năng mua đủ lương thực và thực phẩm theo nhu cầu dinh dưỡng cho mình.
An ninh dinh dưỡng không phải chỉ thể hiện trong việc cung ứng đủ mà còn là đúng với mọi nhu cầu của người dân theo từng lứa tuổi. Ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải hướng tới mục tiêu an ninh dinh dưỡng cho từng đối tượng người dân Việt Nam.
Một yêu cầu quan trọng khác của nền nông nghiệp hiện đại là phải bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu thập niên 1990, nước ta đã thực hiện chương trình 327 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình này, chúng ta đã có một quan niệm không đúng là cứ cây nào phủ xanh, đất trống đồi núi trọc thì đều là rừng.
Năm 2006, chúng ta lại có chủ trương chuyển 100 ngàn ha rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su. Từ chủ trương đó, lâm trường Minh Đức ở Bình Phước với hơn 40 ngàn hecta rừng tự nhiên, nay đã trở thành vườn cao su, điều, bưởi da xanh …
Đó là chủ trương sai lầm, vì rừng cao su, rừng keo lai, rừng tràm… là những loại rừng chỉ có 1 loại cây, nên không thể bảo vệ được môi trường sinh thái. Muốn bảo vệ được môi trường sinh thái, thì phải là rừng tự nhiên, dù là rừng tự nhiên nghèo.
Bởi rừng tự nhiên là rừng hỗn giao, đa tầng, đa lớp tạo thành thảm thực vật dày đặc nên mới giữ được nước, làm giảm lũ. Lũ lụt tàn phá nặng nề miền Trung mới đây là một bài học lớn cho việc rừng tự nhiên bị tàn phá trong nhiều năm qua.
Để bảo vệ môi trường sinh thái, rừng tự nhiên phải được coi là một bộ phận quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng sinh thái của quốc gia. Với quan điểm đó, tôi cho rằng Bộ NN-PTNT cần xây dựng và triển khai một chương trình quốc gia tái lập rừng tự nhiên ở Đông Bắc, Tây Bắc…, đặc biệt ở Tây Nguyên.
Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số… là những khái niệm mà người ta đang nhắc tới nhiều trong thời gian qua. Đó có phải là những yếu tố của nông nghiệp hiện đại không, thưa ông?
Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lí là một trong những yếu tố rất quan trọng để hiện đại ngành nông nghiệp.
Mà nói tới việc áp dụng công nghệ cao, thì có 3 yếu tố phải được tạo ra. Trước hết, phải đào tạo một tầng lớp nông dân có học, những “thanh nông tri điền”, những nông dân chuyên nghiệp, thay thế cho “lão nông tri điền”, cha truyền con nối.
Chỉ có một lực lượng lao động trẻ được đào tạo, lành nghề thì mới thực hiện được tốt tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ cao. Cần phải có chính sách dạy nghề nông miễn phí cho con em nông dân với điều kiện học xong phải trở về làm nông dân.
Luật Đất đai cần phải được sửa đổi theo hướng thừa nhận quyền tư hữu đất đai của nông dân, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất. Nếu không có tích tụ, tập trung ruộng đất, những người nông dân được đào tạo nghề sẽ không có đất dụng võ. Chẳng lẽ học xong trở về nhà vẫn chỉ quản lý 5 – 7 công đất? Họ cần được quản lý một diện tích sản xuất đủ lớn để có lợi thế kinh tế theo quy mô.
Tích tụ, tập trung ruộng đất làm gia tăng quy mô sử dụng đất của mỗi trang trại để có lợi thế kinh tế theo quy mô. Tích tụ ruộng đất là cách trang trại dùng vốn của mình (vốn tích lũy hay vốn vay) để mua thêm ruộng đất.
Còn tập trung ruộng đất là vài trang trại sáp nhập tạo ra một trang trại lớn hơn bằng cách tự nguyện hay mua bán. Đó là cơ sở tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa phát triển bền vững và hiệu quả cao, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.
Phát triển cánh đồng lớn hiện nay ở một số địa phương không phải là tích tụ hay tập trung ruộng đất, mà thực chất chỉ là tập trung sản xuất, theo nguyên tắc “liền đồng, cùng trà giống, khác chủ”. Những chủ ruộng vẫn là những nông dân nhỏ nên rất không bền vững do khó quản lí trong việc thực hiện tiêu chuẩn kĩ thuật như VietGAP…, và các quy định khác của sản xuất theo hợp đồng.
Yếu tố thứ ba là thúc đẩy khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề rất nan giải là biến đổi khí hậu. Do đó, phải đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, nhất là nhân lực khoa học để có được những chuyên gia đầu ngành, nghiên cứu tìm ra những giống và công nghệ mới vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Trong một nền nông nghiệp hiện đại, nông dân và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản?
Lâu nay, chúng ta nói nhiều về chuỗi giá trị nông sản, nhưng không ai nói rõ trong chuỗi ấy, vai trò từng chủ thể tham gia là như thế nào. Do đó, cần phải làm rõ nội dung này.
Trong mỗi một chuỗi giá trị nông sản, 2 chủ thể quan trọng nhất là doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản và nông dân với các trang trại của họ.
Nông dân là chủ thể quan trọng trước tiên trong chuỗi giá trị nông sản. Nông dân ở đây phải là nông dân được đào tạo, làm chủ các trang trại gia đình lớn nhờ tích tụ, tập trung ruộng đất, qua đó mới tạo ra vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa để cung cấp nông sản nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng cho doanh nghiệp chế biến.
Chủ thể quan trọng thứ 2 là doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ cao ngay lập tức vì có thể đầu tư mua được ngay. Doanh nghệp phải đóng vai trò nhạc trưởng của chuỗi liên kết, thể hiện qua việc cung ứng đầu vào cho nông dân, đặc biệt là giống. Vì chỉ có doanh nghiệp mới biết giống nào phù hợp với công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ.
Một điều nữa hết sức quan trọng là doanh nghiệp phải làm khuyến nông để buộc nông dân sản xuất theo đúng quy trình, nhằm đạt được số lượng và chất lượng phù hợp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Trong chuỗi giá trị nông sản, thế mạnh của doanh nghiệp là giải quyết được những vấn đề mà nông dân không thể giải quyết: thị trường tiêu thụ và thương hiệu, công nghệ và vốn. Về vốn, doanh nghiệp không phải cung cấp vốn cho nông dân giống như ngân hàng, mà là ứng trước vốn thông qua việc cung cấp giống, vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật…
Điểm yếu của doanh nghiệp là không bao giờ trực tiếp thực hiện tốt các khâu sản xuất mang tính sinh học, mà chỉ có trang trại gia đình mới làm được điều này. Ngay cả ở Mỹ và các nước phát triển khác, trang trại gia đình luôn là lực lượng sản xuất nông sản chủ yếu, chứ không phải doanh nghiệp.
Lý do rất đơn giản, như câu mà các cụ đã đúc kết “Nhất thì, nhì thục”. Thì là đúng lúc, thục là đúng cách. Làm nông nghiệp mà sai cách, lỡ thì chắc chắn thất bại, dù có phân bón nhiều, giống tốt.
Ai làm được “Nhất thì, nhì thục”? Đó phải là những người mà lợi ích của họ gắn với sản phẩm cuối cùng của toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp. Như vậy, chỉ có trang trại gia đình và trang trại cá nhân không có cấp quản lý trung gian mới thực hiện được “Nhất thì nhì thục”.
Tuy nhiên, nông dân, nhất là những nông dân lớn, cần phải được tập hợp vào các hợp tác xã (HTX). Bởi doanh nghiệp không thể cứ tiếp tục ký hợp đồng với từng trang trại, mà phải ký với một đầu mối là HTX. Các HTX nông nghiệp đích thực trước hết phải do những nông dân “lớn” sáng lập và quản lý, nông dân “nhỏ” cùng được hưởng lợi từ các HTX này.
Chỉ có những nông dân “lớn” mới có nhu cầu và khả năng liên kết tạo thành những HTX, chứ không phải những hộ nông dân nhỏ lẻ. Hơn nữa, chỉ có họ mới có đủ năng lực quản lý HTX, áp dụng công nghệ cao, đạt hiệu quả lớn, tiến tới đủ năng lực cạnh tranh với doang nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân.
Xin cảm ơn ông!