Khai thác rong câu thu tiền triệu mỗi ngày
Năm nay, rong câu xuất hiện nhiều, giá cao hơn mọi năm nên nhiều người dân ở Quảng Ngãi khai thác sản vật này thu tiền triệu mỗi ngày.
Vừa đưa chiếc thúng chở đầy rong câu vào bờ để phơi, ông Nguyễn Đình Hiển (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) cho biết, vợ chồng ông bắt đầu công việc khai thác rong câu từ lúc 8 giờ sáng, đều đặn mỗi ngày, ông canh con nước cạn trên khu vực biển ở Tịnh Hòa, Tịnh Khê để vớt rong câu.
Rong câu là loài tảo thủy sinh mọc trên đáy bùn cát dưới mặt nước khoảng 1 – 1,5m, muốn vớt phải ngâm mình dưới nước mới lấy được. “Nghề này không khó nhưng phải đằm mình dưới nước nhiều giờ và chịu nắng. Mỗi buổi vớt một bè và 1 thúng rong, phơi khô được hơn 1 tạ rong, bán với giá dao động 5.000 – 6.000 đồng/kg như hiện nay cũng kiếm được bình quân 500 nghìn đồng”, ông Hiểu nói.
Dọc theo bờ tràn Tịnh Khê – Tịnh Hòa và khu vực Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), từng đám rong câu màu đen mảnh như sợi cước được phơi. Đều tay lật trở rong phơi, ông Huỳnh Khổ (trú xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) vui vẻ nói: “Năm nay, rong xuất hiện nhiều, vợ chồng tôi khai thác từ đầu tháng giêng đến giờ, mỗi ngày vợ chồng tôi vớt rồi phơi khô chờ gom lại số lượng lớn bán cho thương lái”.
Nghề này hôm nào khỏe thì đi vớt rong, làm lai rai mỗi ngày thu nhập cũng ổn, bình quân 500 ngàn đến 600 ngàn đồng. Rong câu không mất công chăm sóc, nuôi trồng nhưng vẫn phát triển nhanh. Chính vì vậy, nhiều người dân ở vùng biển gọi vui rong câu là cây lộc biển trời cho.
Vào mùa này, khu vực đầm thủy triều hay ven biển luôn nhộn nhịp bởi đây là khoảng thời gian rộ cho công việc thu hoạch rong câu. Bà Trần Thị Thành (trú xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) mới vừa vớt rong câu vào bờ cho biết, năm nay rong nhiều hơn mọi năm vì độ mặn, lợ càng cao thì rong câu càng sinh sôi tốt.
Rong câu phơi khô tới đâu, tiểu thương thu mua tới đó. Đặc điểm của rong câu chỉ được bán thô sau khi rửa, phơi khô. Tuy đây là nghề nhẹ nhàng, song quá trình phơi cũng rất công phu, phải canh nắng, theo dõi thời tiết, tránh để rau câu bị ảnh hưởng bởi mưa dông sẽ làm hỏng rong câu.
Rong câu sau khi khai thác về phơi khô, ngâm giặt nhiều lần cho trắng sạch và được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng như thạch rau câu, chè, xu xoa… có tác dụng thanh nhiệt cơ thể.
Ông Nguyễn Dưỡng, Trưởng thôn Xuân An (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) cho biết, hiện trong thôn có khoảng 15 hộ thu rong câu, đem lại nguồn thu nhập cho các gia đình trang trải cuộc sống.
Một số hộ mỗi ngày thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, người dân khai thác số lượng nhất định để duy trì thức ăn cho các loại thủy sản, đảm bảo môi trường sinh thái.