Hợp tác xã hữu cơ và hành trình hồi sinh cua cá

Từ ngày chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, con cá con cua đã hồi sinh trên những cánh đồng của HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận. Ảnh: MĐ.

Hợp tác xã hữu cơ và hành trình hồi sinh cua cá

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, cá, cua trên những cánh đồng ở HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã sinh sôi trở lại.

Từ ngày chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, con cá con cua đã hồi sinh trên những cánh đồng của HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận. Ảnh: MĐ.

Từ ngày chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, con cá con cua đã hồi sinh trên những cánh đồng của HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận. Ảnh: MĐ.

Từ hồi sinh cua, cá…

Ngày nay, canh tác theo quy luật tự nhiên, tôn trọng môi trường tự nhiên như là một trong những giải pháp phát triển bền vững nền nông nghiệp.

Tại HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), từ ngày bà con chuyển sang tác theo hướng hữu cơ, con cá, con cua của đồng ruộng đã được hồi sinh trở lại.

Theo lời kể của ông Lê Văn Trưởng, Phó Giám đốc HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận, hồi đó, đồng này kêu là xứ cả cá. Bởi cá ở đây nhiều dữ lắm. Từ hồi bà con chuyển sang canh tác lúa thần nông đến nay, riết không còn con cá, con tép, hết trơn hết trọi. Thấy vậy, ông Trưởng với mấy anh em trong xóm tâm sự với nhau kế hoạch khôi phục cá cua cho đồng này.

“Hồi mới làm, anh em tụi tui cũng lo lắm, không biết ra làm sao nhưng mần mấy vụ rồi. Từ thu đông 2019 tới nay thấy mần lúa hướng hữu cơ này không kém gì đâu. Thứ hai nữa, chúng tôi mần ở đây được Công ty MS2019 Master Ruma bao tiêu đầu ra. Giá thu mua lúa tím than 9.000 đồng/kg, lúa trắng sữa 8.000 đồng/kg, so với mần lúa thường thì lợi nhuận cao hơn”, ông Trưởng chia sẻ về thành quả bước đầu của bà con nơi đây.

Ông Trưởng phấn khởi cho biết thêm, làm theo hướng hữu cơ thành quả trước mắt là ý thức dọn dẹp bao bì, lọ chai thuốc sau khi sử dụng. Môi trường trong lành, sạch đẹp hơn. Người dân trong xóm ngày càng tự hào và phấn khởi hơn.

Tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận. Ảnh: MĐ.

Tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận. Ảnh: MĐ.

… Đến tuần hoàn, bền vững

Từ ngày bà con trong HTX Làng Hữu cơ Hiếu Thuận chuyển sang canh tác an toàn, cùng với rơm rạ, nguồn cỏ trên cánh đồng không phân thuốc hoá học này được tận dụng tối đa để nuôi bò. Trước đây, phân bò thải ra môi trường, nay bà con tận dụng để nuôi trùn quế. Đây là loài sinh vật chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho gia cầm, thuỷ sản như lươn, cá, thậm chí quay ngược lại làm thức ăn cho bò.

Quay vòng như thế này, bà con có thêm thu nhập từ lươn, cá, giảm chi phí đáng kể cho nuôi bò. Ngoài ra, một số thành viên HTX còn tận dụng phân hữu cơ từ trùn quế kết hợp với vi sinh vật có lợi để bón cho cây trồng. Một khi sản lượng lớn, có thể bón cho cây lúa, cỏ trên cánh đồng này.

Phân trùn quế là một sản phẩm được đánh giá cao, nhiều dinh dưỡng góp phần cải tạo nguồn đất sau nhiều năm khau thác đã cạn kiệt nguồn dinh dưỡng. Sản xuất khép kín như trên giúp bà con hạn chế được phân bón, thuốc trừ sâu trị bệnh có nguồn gốc hoá học. Dù chuyển sang phát triển theo hướng hữu cơ nhưng vẫn đảm bảo năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế.

Nuôi trùn quế bón phân cho lúa hữu cơ. Ảnh: MĐ.

Nuôi trùn quế bón phân cho lúa hữu cơ. Ảnh: MĐ.

“Trước đây, bờ có cỏ nhưng phải mua thuốc xịt cỏ. Hôm nay, không còn phải tốn công sức làm sạch, phun xịt cỏ. Thậm chí còn phải nuôi cỏ nữa. Bà con cắt cỏ về cho bò ăn. Lấy phân bò nuôi trùn quế. Lấy con trùn quế cho gia súc gia cầm ăn. Bò ăn rất ưa, nuôi thuỷ sản, gia cầm rất tốt.

Còn phân trùn quế bón cho lúa, rau mà rất tốt, vệ sinh. Hồi đó, lấy phân sống bón cho cây, lấy phân cho cá ăn. Còn bây giờ lấy cho trùn ăn, rồi mới lấy phân trùn bón cho cây”, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc HTX Làng hữu cơ Hiếu Thuận chia sẻ.

Ông Steven Starmans, Chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp tuần hoàn cho biết: Hiện ở ĐBSCL, nông nghiệp phần lớn không bền vững, ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu và kháng sinh. Điều không bền vững nữa là tưới nước quá nhiều và thường là nước ngầm. Thêm vào nữa, có nhiều sản phẩm bị hao hụt do thiếu kiến thức sau thu hoạch.

Những sản phẩm này thường bị kết thúc ở bãi rác hoặc trong lò đốt. 40% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất phát ở ĐBSCL và 80% người dân ĐBSCL có liên quan đến nông nghiệp, vì vậy tiềm năng phát triển nông nghiệp bền vững và tuần hoàn là rất lớn.

MINH ĐẢM – HỮU ĐỨC – nongnghiep.vn

Share this post