Nông dân Đồng Tháp ‘say’ công nghệ thông minh

Đồng Tháp đang đẩy mạnh sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV cho lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân Đồng Tháp ‘say’ công nghệ thông minh

Ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp đang có sự lan tỏa rất mạnh mẽ tại tỉnh Đồng Tháp.

Nhiều nông dân ở ĐBSCL đã sáng chế thành công hệ thống tưới cây, phun thuốc BVTV cho vườn cây ăn trái bằng điện thoại di động khá hiện đại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều nông dân ở ĐBSCL đã sáng chế thành công hệ thống tưới cây, phun thuốc BVTV cho vườn cây ăn trái bằng điện thoại di động khá hiện đại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp.

Đặc biệt ba năm trở lại đây, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân ở Đồng Tháp đã đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào các máy móc, công nghệ thiết bị tự động mang lại hiệu quả thiết thực như: thiết bị giám sát sâu rầy, thiết bị tưới tự động khi ứng dụng công nghệ IoT vào thiết bị…

Nông nghiệp 4.0 được nhiều nông dân ứng dụng

Những ngày cận tết, chúng tôi về vùng trồng cây quýt đường và cam sành ở huyện Lai Vung, ai nấy cũng tất bật chăm sóc vườn của mình để chuẩn bị nông sản bán đúng vào dịp tết.

Vườn của ông Nguyễn Phú Thạnh ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung là một trong những người đã sáng chế thành công hệ thống tưới cây, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) điều khiển bằng điện thoại di động khá hiện đại.

Ông Thạnh cho biết năm 2011, trong một lần thấy đứa con điều khiển chiếc xe ôtô điện tử, lúc này trong đầu ông Thạnh lóe lên ý nghĩ sẽ làm hệ thống tưới nước tự động và điều khiển bằng remote. Để có được kiến thức về điện, mạch, chíp, bán dẫn, sóng… ông tìm đến một vài người bạn trong lĩnh vực điện tử và tự mày mò trên Internet, rồi cẩn thận ghi chép lại tất cả các kiến thức hữu ích.

Sau đó, để có được các thiết bị phục vụ cho việc sáng chế, ông Thạnh tìm đến các điểm thu mua phế liệu, mua lại máy móc cũ, hư để nghiên cứu, làm thử nghiệm. Cuối cùng ông Thạnh đã thành công với hệ thống tưới nước, pha thuốc BVTV tự động điều khiển bằng remote. Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, có một bất cập là khoảng cách điều khiển remote chỉ trong phạm vi 20 – 30 m và phải chạy khắp vườn để rà sóng.

Nghĩ đến điện thoại di động có thể phủ sóng mọi nơi, ông Thạnh lại lao vào tìm cách đấu nối, lắp sim số thế vào bộ điều khiển. Chỉ sau một tuần, ông đã chế thành công với hệ thống phun thuốc BVTV, tưới cây điều khiển bằng điện thoại di động.

Đồng Tháp đang đẩy mạnh sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV cho lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp đang đẩy mạnh sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV cho lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Thạnh, thay vì trước đây, để tưới cho 5 công vườn, ông phải làm từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Còn bây giờ, chỉ với cái mô-tơ, thiết kế 6 van (mỗi van 100 béc phun), thời gian tưới nước của mỗi van là 10 phút, việc tưới nước chỉ mất 60 phút cho cả khu vườn.

Còn tại vùng trồng lúa huyện Tháp Mười, nông dân được mãn nhãn với hoạt động của Trạm giám sát sâu rầy thông minh, đặt tại đồng lúa của nông dân thuộc HTX dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi.

Nông nghiệp thông minh tạo ra sản xuất an toàn

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tiếp cận kinh tế số, đã xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn thay đổi và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp cũng như nhiều mô hình kinh tế giá trị cao.

Trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV, bước đầu sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV (Drone), mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 và cơ giới hóa toàn diện tại HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười). Ứng dụng công nghệ GIS phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng chống.

Lĩnh vực chăn nuôi, đã ứng dụng thành công phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ.

Lĩnh vực thủy sản, thực hiện chương trình nâng cao chất lượng con giống cá tra cải thiện di truyền có gắn (chip) theo dõi, đến nay đã chuyển giao 21.610 con cá bố mẹ cho 13 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực thủy lợi và lâm nghiệp, hạ tầng thủy lợi đã được số hóa để quản lý và giám sát, xây dựng và lắp đặt 16 trạm cảnh báo sớm giông sét trên địa bàn các huyện, thành phố. Ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.

Hiện nay, nhiều nông dân sản xuất lúa ở Đồng Tháp không còn lo âu bị sâu, rầy tấn công nữa vì đã có trang bị Trạm giám sát sâu rầy thông minh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, nhiều nông dân sản xuất lúa ở Đồng Tháp không còn lo âu bị sâu, rầy tấn công nữa vì đã có trang bị Trạm giám sát sâu rầy thông minh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc gồm các mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”, tạo gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng sở hữu được sản phẩm mình yêu thích, giúp gia tăng giá trị.

HTX Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) đã thực hiện mô hình ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc xoài. Ứng dụng thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử trong quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ…

Trong công tác quản lí nhà nước trong ngành nông nghiệp, việc ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Theo ông Thiện, những kết quả bước đầu của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp là đáng trân trọng, song chưa nhiều. Việc thích ứng với kinh tế số để vận dụng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay vẫn còn là thách thức.

Do vậy, để tăng cường việc chuyển đổi số trong nông nghiệp trong thời gian tới, ngành nông nghiệp chú trọng nông nghiệp thông minh để tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời nhân rộng những nghiên cứu thực hiện ý tưởng “mỗi nông dân là một thương nhân”, thiết lập nhật ký điện tử trong chuỗi liên kết nông sản để phục vụ truy xuất nguồn gốc, bước đầu cần áp dụng tại các HTX kiểu mới của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết, đây là mạng lưới mang lại rất nhiều tiện ích cho nông dân. Bây giờ chuyện sâu rầy không phải quá lo lắng nữa. Giờ chỉ cần mở phần mềm cài sẵn trên điện thoại là có thể biết được mật độ sâu rầy trong từng thời điểm, chủng loại gì, rồi mới quyết định phun thuốc hay không, chứ không phải như trước đây cứ thấy sâu rầy là xịt ngay vừa tốn tiền mà không đem lại hiệu quả.

LÊ HOÀNG VŨ – MINH ĐÃM – nongnghiep.vn

Share this post