Chè Thái tìm lại hương xưa
Người trồng chè đã quá thấm thía về một thời đáng quên. Giờ đây, chè Thái Nguyên đang nỗ lực tìm về hương xưa, nhưng ở một cách nghĩ, cách làm khác xưa…
Không ai phủ nhận quan niệm “chè Thái Nguyên, tự nó đã ngon rồi’. Chè Thái tích tụ tinh túy của núi Hồng, Tam Đảo. Hương chè quyện hương nước của dòng sông Công huyền thoại, dòng sông Cầu thơ mộng hiền hòa lượn qua nẻo vùng trung du nửa đồng bằng, nửa núi. Cùng với hồ Núi Cốc, trà trở thành niềm tự hào khắp năm châu bốn biển của người dân ATK đất thép Thái Nguyên.
Ngoài Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chè Thái định danh 3 vùng nổi tiếng khác là Đồng Hỷ, Phú Lương và Đại Từ. Những địa danh trên đều nằm ven lưu vực của 2 dòng sông màu nhiệm. Cây chè phát triển tự nhiên, được trồng, chăm sóc, chế biến tự nhiên. Chính sự tự nhiên ấy đã mang lại sự nổi tiếng tự nhiên cho trà Thái với danh xưng “Thủ phủ trà Việt”, “Tinh hoa trà Viêt”.
Cuối thế kỷ trước, sự tự nhiên bắt đầu bị phá vỡ. Đầu tiên là quy hoạch vùng chè bị phá vỡ với sự phát triển ồ ạt của các nương chè. Tiếp đó là quy trình sản xuất truyền thống bị thay đổi chóng mặt với thập cẩm các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn vào nương chè. Sau cùng là hàng chục loại giống mới xuất hiện xen vào không thể kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Thoa, một tiểu thương gắn với chè nhiều năm phân tích, ở vào thời điểm ấy, sự thay đổi như là một tất yếu không thể cưỡng được. Thuốc BVTV mang lại hiệu quả tức thì thay cho những cách làm lạc hậu trước đó. Sâu chết, hình thái lá chè xanh hơn, không bị rám, không bị rỗ.
Có phân bón hóa học, nương chè bóng hơn, mỡ hơn. Bản thân những thương lái còn thích những nương chè được chăm sóc theo cách mới và coi đó là sự mạnh dạn đầu tư. Người làm chè cũng như thương lái mua chè cùng tồn tại một quan niệm, đã trồng chè thì không thể không thuốc sâu.
Sâu chè có bị tiêu diệt triệt để thì búp chè mới tươi, non, không bị phồng rộp. Thực tế đó đã khiến những hộ làm chè tại các vùng “lõm” về trình độ thâm canh đã lạm dụng thuốc BVTV. Có nhiều loại thuốc cực độc đã bị cấm nhưng người dân vẫn có thể lén lút mua được để sử dụng trên chè như Triozan, Monitor, Pezan, Kasai, Ken Tan…
Phun thuốc một lần không hết sâu thì phun lần 2, lần thứ 2 chưa đạt thì trộn kết hợp thuốc của 2 lần vào phun tiếp. Nếu vẫn chưa thấy sâu chết thì mua loại cực độc hơn về phun diệt tất cả các loại sâu trong một lần phun.
Cách sử dụng cũng vô tội vạ, nhiều người chọn mua thuốc bằng cách mượn vỏ chai hay bao bì thuốc BVTV của hàng xóm để đi mua. Thậm chí là mô tả về triệu chứng bệnh trên nương chè để chủ cửa hàng bán cho thuốc gì thì dùng thuốc đó. Có người lại dùng thuốc cho các loại cây trồng khác để phun cho chè. Chính người đi phun về xong còn say lử khử.
Nhưng rất nhanh, nương chè được thâm canh kiểu mới cũng chẳng khác nào thôn nữ lên tỉnh, choàng lên mình bộ cánh lộng lẫy nơi phồn hoa mà đánh quên bản thể đẹp “chân quê”.
Bà Tống Thị Kim Thoa (Giám đốc HTX chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên) nhớ lại vẫn còn ám ảnh bởi cách nghĩ, cách làm khi ấy, sao mà dại, mà khổ đến vậy!
Sau mỗi lứa chè là các loại phân bón đổ lên nương chè. Thấy chè bị sâu là phun. Phun đủ các chủng loại thuốc, chừng nào thấy sâu chết thì thôi. Kể cả những loại thuốc độc hại, thậm chí có hộ dùng cả thuốc diệt cỏ…
Nương chè không có một con giun, cũng chẳng thể tìm được một con nhái. Cây chè cọc lại, rễ cây cằn khô, lá chè chứa đầy chất dinh dưỡng hóa học và dư lượng thuốc BVTV vô tội vạ. Nhưng rồi từng ngày, năng suất chè sụt giảm thảm hại, mới có câu: “Cân chè cân đạm, lá chè nhỏ như lá rau má”.
IPM – nền móng sản xuất chè an toàn
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên) cho biết, HTX vừa có sản phẩm vinh dự được xếp hạng OCOP 5 sao.
Để có được vinh dự ấy, HTX đã có những bước chuyển đổi liên tục với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cho sản phẩm chè. Trong suốt lộ trình đó, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là nền móng để tạo dựng thương hiệu. Các quy trình thực hành sản xuất an toàn sau này cũng đều có yếu tố từ IPM.
Ông Hoàng Văn Dũng (nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Thường trực Hội chè Thái Nguyên) là người đặc biệt say mê, đắm đuối với cây chè.
Theo ông Dũng, bước chuyển dịch, tự phát trong chăm sóc, chế biến chè trước đây đã khiến người làm chè, thương hiệu chè bị trả giá. Và khi ấy, IPM xuất hiện như một cứu cánh để cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân thống nhất và tìm được tiếng nói chung để “quay đầu”.
Bây giờ, qua thống kê cũng như cảm quan có thể tự tin khẳng định, hầu hết những nương chè Thái Nguyên đã hồi xanh, cây chè đã mạnh hơn, người làm chè đã khỏe hơn cái thời đáng quên trước kia.