Đã có thể thực hiện chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU
Ngày 8/9, trao đổi thông tin về Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Nghị định có hiệu lực ngay nên các doanh nghiệp đã có những loại gạo thơm trong danh sách và đơn hàng thì khẩn trương gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt để có giấy chứng nhận.
Cục Trồng trọt sẽ phải nhanh chóng cấp giấy chứng nhận này.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Nghị định số 103 quy định chi tiết nội dung về chứng nhận chủng loại gạo thơm phù hợp với nội dung của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại.
Nghị định cũng đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo thơm sang EU; xã hội hóa tối đa các dịch vụ công.
Theo Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0% đối với gạo xay xát, chưa xay xát và gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Đối với 30.000 tấn gạo thơm trong hạn ngạch, quy định tại Hiệp định EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm là: Jasmine 85, ST 20, ST 5, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào. EU yêu cầu gạo thơm xuất khẩu sang EU để được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống. Do vậy, để đảm bảo độ thuần, tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, cần thiết phải kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch.
Ông Nguyễn Như Cường cho biết, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như đơn vị quản lý, những đơn vị khảo nghiệm giống cây trồng được công nhận sẽ thực hiện việc chứng nhận đúng giống này. Việc kiểm tra đúng giống sẽ được thực hiện khoảng 20 ngày trước khi lúa được thu hoạch, bởi đây là thời điểm sẽ xác định được toàn bộ đặc tính chuẩn nhất của giống. Như vậy, đơn vị khảo nghiệm sẽ xác định được đặc tính của giống đó.
Tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm về độ thuần, tính đúng giống trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói. Cục Trồng trọt sẽ là cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm.
Ông Nguyễn Như Cường cũng cho biết, hiện đã có 3 doanh nghiệp gửi hồ sơ về Cục Trồng trọt xin cấp Giấy chứng nhận.
Diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy (tương đương khoảng 1 triệu ha), sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Trong khi đó, theo Hiệp định EVFTA lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, do vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang trồng phổ biến tại sản xuất, đồng thời phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của EU để xuất chỉnh sửa, bổ sung Danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, EU là thị trường rất khó tính với các yêu cầu về giống, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Việc chứng nhận sẽ thể hiện được chất lượng, uy tín, giá trị, thương hiệu của gạo Việt. Với 30.000 tấn hạn ngạch gạo thơm không phải là lớn nhưng đây là tín hiệu tốt. Nếu làm tốt khẩu kiểm tra, kiểm soát tốt về chất lượng và được người tiêu dùng EU tiếp nhận thì đây cũng là cơ sở cho việc đàm phán mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU trong thời gian tới.
Về phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thì từng doanh nghiệp, từng địa phương phải xây dựng hình ảnh thương hiệu cho chính mình để sản phẩm ra thị trường thế giới bền vững.
Năm 2019, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU là 50.000 tấn với 28,5 triệu Euro; trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo với kim ngạch là 1,4 tỷ Euro.