Đồng Tháp nở rộ sản xuất hữu cơ công nghệ cao

Nhờ trồng rau theo hướng an toàn trong nhà lưới nên đầu ra khá ổn định vì có thương lái đến tận nơi thu gom 1 tuần 2 lần. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng Tháp nở rộ sản xuất hữu cơ công nghệ cao

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với ứng dụng công nghệ cao không ngừng gia tăng diện tích ở Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Gám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp phấn khởi cho biết: Điểm đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh trong nhiều năm qua là nông dân đã phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đó là mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình… Các mô hình này đã giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 – 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Mô hình trồng rau má trong nhà kính của anh Võ Thanh Beo đều được quản lý thông qua ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình trồng rau má trong nhà kính của anh Võ Thanh Beo đều được quản lý thông qua ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Thiện, những năm qua, Đồng Tháp là địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông dân giảm giá thành trong canh tác, nâng cao chất lượng nông sản. Từ định hướng đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp thực hiện và nhân rộng các mô hình áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, chú trọng việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Điển hình như mô hình trồng rau má thủy canh công nghệ cao trong nhà kính của anh Võ Thanh Beo, ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh với diện tích 700 m2 cho thu hoạch quanh năm và có đầu ra luôn ổn định.

Khu vườn này trung bình mỗi tháng có thể thu hoạch trên 1,2 tấn rau má tươi, đem lại doanh thu trên 35 triệu đồng/tháng. Hiện sản phẩm rau má thủy canh này đang được phân phối tại nhiều cửa hàng bán rau sạch, siêu thị và hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Anh Võ Thanh Beo, chủ khu vườn rau má thủy canh cho biết: Khu vườn trồng rau má giống truyền thống được áp dụng theo công nghệ 4.0 cho diện tích 700 m2, vốn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài công đoạn trồng và thu hoạch được thực hiện bằng tay, phần lớn các công đoạn từ chăm sóc, quản lý dịch hại đều được thực hiện một cách tự động hóa, thông qua ứng dụng điều khiển từ xa được cài đặt trên thiết bị di động thông minh.

Mô hình trồng rau má thủy canh có nhiều ưu điểm so với trồng rau má truyền thống trên nền đất trước đây. Bên cạnh việc nâng chất cho sản phẩm, việc kiểm soát dịch bệnh dịch hại trên cây rau má cũng rất thuận lợi. Nhờ trồng trong điều kiện nhà kính, nguồn dinh dưỡng để kiểm soát chặt chẽ nên chất lượng rau má đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khi có mặt ngoài thị trường.

Không chỉ dừng lại ở phát triển sản phẩm sản xuất rau má tươi, anh Beo còn phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến sâu từ cây rau má, bước đầu với những cách làm mới đã dem lại nhiều giá trị mới cho cây rau má bình dân.

Nằm ven sông Tiền được bù đắp phù sa quanh năm nên những cánh đồng rau màu của HTX Rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự mùa nào cũng bạt ngàn màu xanh non mát bởi áp dụng mô hình trồng rau theo hướng VietGap.

Nhờ trồng rau theo hướng an toàn trong nhà lưới nên đầu ra khá ổn định vì có thương lái đến tận nơi thu gom 1 tuần 2 lần. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ trồng rau theo hướng an toàn trong nhà lưới nên đầu ra khá ổn định vì có thương lái đến tận nơi thu gom 1 tuần 2 lần. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Đỗ Thanh Sỹ, thành viên trong HTX Rau an toàn Long Thuận cho biết: Trước đây gia đình chưa tham gia vào HTX, có 5 công trồng rau màu quanh năm để làm kinh tế chính nuôi gia đình. Nhưng những loại rau trồng theo phương pháp truyền thống đều sử dụng phân thuốc hóa học quá nhiều nên năng suất không cao thường xuất hiện sâu bệnh nhiều. Từ đó thu nhập từng vụ rau màu giảm, thậm chí có vụ thua lỗ trắng tay.

Hơn 4 năm trở lại đây, khi được vào HTX và nhờ nhà nước hỗ trợ 30% vốn, ông đã xây dựng nhà màng lưới, có hệ thống tười phun tự động nhằm phục vụ trồng rau theo hướng an toàn và sử dụng phân thuốc hữu cơ.

Ông Sỹ khẳng định, từ khi bắt tay vào sản xuất rau màu trong nhà kính áp dụng theo hướng hữu cơ, hiệu quả mang lại thấy rõ. Rau trồng trong nhà lưới xanh non hơn so với trồng bên ngoài và ít sâu bệnh tức là đồng nghĩa ít sử dụng phân thuốc sẽ giảm chi phí đầu tư.

Tính ra, bình quân 1.000 m2 chỉ đầu tư 1,2 triệu đồng tiền công, giảm từ 300- 500 ngàn đồng so với trồng bên ngoài. Nhờ trồng rau theo hướng an toàn nên đầu ra khá ổn định vì có thương lái đến tận nơi thu gom 1 tuần 2 lần.

Từ hiệu quả mô hình thấy rõ đó, ông Sỹ đang bỏ tiền ra đầu tư thêm một nhà lưới rộng khoảng 800 m2 nữa để trồng các loại rau truyền thống. Mục đích là giảm giá thành và tạo ra những sản phẩm rau sạch, an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và nâng giá trị sản phẩm bán ra ngoài thị trường.

LÊ HOÀNG VŨ – TRỌNG LINH – nongnghiep.vn

Share this post