Gà thả đồi, hướng đi mới
Hiện phong trào nuôi gà ta thả đồi phát triển mạnh ở những vùng miền núi Bình Định, một phương thức chăn nuôi sinh lãi gấp nhiều lần so với nuôi gà nhốt chuồng.
Địa phương đi đầu trong phong trào nuôi gà ta thả đồi ở Bình Định là huyện trung du Hoài Ân. Người tiên phong nuôi gà ta thả đồi ở Hoài Ân là ông Mai Văn Rõ ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây.
Ông Rõ vốn người dân quê biển ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) lên làm ăn trên đất núi. Ban đầu, ông thuê của UBND xã Ân Tường Tây 4ha đất khô cằn sỏi đá nằm lung chừng đồi Gò Loi để trồng rừng kết hợp chăn nuôi tổng hợp.
Hết hợp đồng thuê đất, ông mua dần những diện tích đất của người dân địa phương, đến nay ông sở hữu khoảng 8ha đất đồi. Về sau này, ông chuyển hẳn sang nuôi gà ta thả đồi. Ban đầu, ông nuôi vài trăm con, sau tăng dần lên nghìn con, rồi vài ba nghìn con. Đến nay, ông Rõ đang sở hữu hàng chục dãy chuồng với đàn gà ta hơn 30.000 con.
Theo chia sẻ của ông Rõ, so với nuôi nhốt, chuồng trại để nuôi gà thả đồi đơn giản, chi phí đầu tư thấp hơn nuôi nhốt. Đàn gà được thả rông dành nhiều thời gian đi tìm thức ăn ở các gò đất, gốc cây nên giảm được phần lớn chi phí thức ăn. Gà không bị bó buộc, vận động nhiều trong môi trường nhiều cây xanh, bóng mát quanh năm nên sức đề kháng tốt, ít phát sinh dịch bệnh hơn gà nuôi nhốt. Vóc dáng gà thả đồi đẹp, thịt chắc và dai, nên người tiêu dùng rất thích.
“Khi mình tạo dựng được uy tín rồi, nhiều thương lái ở các tỉnh miền Trung tìm đến đặt mua gà với số lượng lớn. Điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi là phải chọn gà giống chất lượng đầu tư chăm sóc chu đáo, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, ông Rõ chia sẻ.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi gà ta thả đồi của ông Mai Văn Rõ, nhiều hộ ở huyện Hoài Ân học tập làm theo và cũng thu được kết quả khả quan. Ví như trường hợp của ông Đinh Quốc Hiệp ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân). Năm 2014 ông Hiệp chỉ nuôi vài trăm con, giờ nuôi mỗi năm 2-3 lứa, mỗi lứa 2.000 con.
Có người nuôi heo bị thất bại do dịch tả lợn châu Phi giờ đã chuyển sang nuôi gà ta thả đồi cũng thành công như trường hợp của bà Vương Thị Ty ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân).
“Hiện tôi có 2 trang trại nuôi gà ta thả đồi, trong đó trang trại tại thôn An Thường 1 nuôi 500 con, trang trại tại thôn An Thường 2 nuôi 1.000 con. Gà ta thả đồi dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu vào thấp, nhưng lãi nhiều hơn nuôi heo”, bà Ty bộc bạch.
Ở An Lão, huyện miền núi của tỉnh Bình Định cũng đã khởi động xây dựng mô hình nuôi gà ta thả đồi tại các xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão. Quy mô đàn gà thả nuôi ban đầu là 7.000 con gà giống với 14 hộ tham mô hình, mỗi hộ thả nuôi 500 con. Gà giống do Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư tài trợ. Hộ tham gia tự bỏ vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thức ăn, chăm sóc gà theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư sẽ thực hiện chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi.
“Tổng đàn gà ta nuôi thả đồi ở huyện Hoài Ân hiện có khoảng 400.000 con; trong đó, có 56 hộ chăn nuôi quy mô từ 1.000 con trở lên. Phần lớn các hộ nuôi gà ta đều có thu nhập cao và khá ổn định. Nhằm thúc đẩy phương thức chăn nuôi này phát triển theo hướng bền vững, năm 2020, huyện đã hỗ trợ cho 30 hộ thực hiện mô hình nuôi gà ta thả vườn đồi, trong đó có 28 hộ được hỗ trợ 100% chi phí mua gà giống; 2 hộ khác được hỗ trợ 50% chi phí mua gà giống, 50% chi phí thức ăn và 50% chi phí mua chế phẩm sinh học, thuốc thú y”, ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân.