‘Hai đứa ngây’ làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Đó là câu chuyện hai vợ chồng làm trang trại ở Nghệ An. Do trồng trọt kiểu khác người nên bị nông dân trong vùng gọi là “hai đứa ngây”.
Bỏ phố về nơi không điện, nước
Sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Thị Tuyến (quê Thanh Hóa), ở lại Hà Nội làm việc đúng theo nguyện vọng của gia đình là thoát ly ra khỏi lũy tre làng. Dương Minh Hùng, chồng của Tuyến, là một kỹ sư nông nghiệp, cũng làm việc ở Hà Nội.
Tại chương trình “Gặp gỡ nông dân, thêm yêu thực phẩm” do Organica tổ chức ngày 12/12 tại TP.HCM, Tuyến chia sẻ “Vốn là con nhà nông, nên từ nhỏ, tôi đã mê trồng cây. Niềm đam mê ấy đã ngấm vào máu thịt. Chồng tôi cũng thế, dù là dân thành thị”.
Có chung niềm đam mê ấy, từ khi mới về chung sống với nhau, Tuyến và Hùng đã xác định sớm muộn gì cũng sẽ về một vùng nông thôn, mua đất để làm vườn. Nếu làm thì sẽ làm theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất.
Đầu năm 2018, Tuyến và Hùng quyết định rời Hà Nội, về xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, để mua đất trồng cam Vinh. Việc họ chọn vùng đất này, trước hết là vì Hùng vốn rất yêu thích vị ngọt của cam Vinh, mà cam Vinh ở đất Quỳ Hợp lại có vị đậm đà hơn và hương vị khác biệt so với cam Vinh trồng ở những nơi khác.
Mặt khác, khi vợ chồng thông báo quyết định bỏ phố về quê để làm nông nghiệp, đều gặp phải sự phản đối của cả 2 bên gia đình, do cả 2 đều đã tốt nghiệp đại học, đang có công ăn việc làm ở Hà Nội. Gia đình Hùng vốn ở phố, đều làm công chức, gia đình Tuyến tuy là nông dân nhưng chỉ mong con cái thoát ly khỏi ruộng đồng cho đỡ vất vả.
Xã Minh Hợp lại là nơi mà cả Tuyến và Hùng đều không có họ hàng, thân thích, không có bất cứ ai là người quen biết. Do đó, khi về đây làm vườn, cả 2 sẽ không phải chịu áp lực trực tiếp từ người quen thân và có thể thoải mái làm theo ý mình.
Tuyến và Hùng mua được 1,1 ha đất vườn. Chủ cũ của khu vườn ấy không phải người địa phương. Trước đó, khi thấy cam Vinh có giá, chủ cũ lên mua vườn trồng cam, nhưng do nhà ở dưới xuôi, nên ít có thời gian lên chăm sóc. Khi cam Vinh bị tụt giá, chủ cũ lại càng ít lên vườn hơn. Thành ra, trong khi các vườn cam khác trong vùng được nông dân phun thuốc hóa học thường xuyên, thì ở vườn cam mà Tuyến và Hùng chọn mua, chủ cũ lại ít có tác động tới khu vườn bằng các biện pháp canh tác hóa học. Do đó, hai vợ chồng đã giảm được khá nhiều thời gian để cải tạo đất.
Năm đầu tiên bỏ phố về quê, là quãng thời gian đầy khó khăn, thử thách với Tuyến và Hùng. Bởi ở nơi họ mua đất làm vườn không có điện, nước sạch, đường sá hễ mưa to là không thể đi xe vào được… Khi ấy, vợ chồng ở lại luôn tại vườn.
Tuyến kể “Năm ấy, vợ chồng tôi dùng điện rất tiết kiệm, chỉ dùng 1 bóng điện thắp bằng bình ắc quy. Bạn bè lặn lội về thăm cứ thắc mắc không hiểu sao hai vợ chồng có thể sống được ở đây”.
Bất chấp những sự thiếu thốn ấy, hàng ngày, Tuyến và Hùng nhẫn nại đi mua gom phân bò trong vùng về ủ rồi rải xuống vườn để cải tạo đất nhằm đáp ứng yêu cầu canh tác theo hướng hữu cơ. Trong vườn, ngoài 2 cây chủ lực là cam Vinh và quýt, hai vợ chồng xen canh các loại cây ngắn ngày, dài ngày khác để bổ sung sinh khối. Quá trình canh tác trong vườn, vợ chồng đều kiên quyết không sử dụng hóa chất.
Cách làm vườn của Tuyến và Hùng khác hoàn toàn với dân địa phương. Hai vợ chồng không cuốc đất trong vườn mà chỉ rải phân, tấp ủ xung quanh gốc, do đó bị người trong vùng nhận xét rằng “làm như hai đứa ngây”.
Trong khi các vườn cam xung quanh đều sạch bong như một sân bóng, không có cỏ. Mỗi lần thu hoạch xong, nông dân tỉa cành cam và mang ra bên ngoài vườn để đốt. Những quả quả cam rụng do cây yếu, do bị bướm đêm chích, đều được nông dân gom lại mang ra suối đổ. Còn trong vườn của Tuyến và Hùng, không có chuyện tỉa cành. Những quả cam rụng được gom lại xử lý cho hoai mục thành chất hữu cơ.
“Hai đứa ngây” gặt trái ngọt
Nhờ kiên quyết không sử dụng hóa chất, vườn cam, quýt của Tuyến và Hùng đã cho ra những trái cam, trái quýt sạch với chất lượng cao. Thời gian đầu, vợ chồng chủ yếu bán cam, quýt cho các shop bán hàng online và được nhiều người tiêu dùng gần xa đón nhận, đặt mua thường xuyên.
Sau này, sản phẩm của hai vợ chồng đã được hệ thống Organica biết tới và họ đã trở thành nhà cung cấp cho hệ thống này.
Đến nay, vợ chồng Tuyến và Hùng đã trải qua năm thứ 3 trồng cam, quýt không hóa chất. Nhờ có đầu ra ổn định, 2 vợ chồng đã tích lũy được thêm vốn liếng, mua thêm đất để nâng diện tích vườn lên hơn gấp 2 lần (2,3 ha). Tuyến và Hùng vẫn kiên trì theo đuổi sản xuất không hóa chất, theo hướng hữu cơ. Ngoài sản phẩm chính là trái cam, quýt, vợ chồng còn tận dụng vỏ của những trái bị lỗi để làm mứt bán ra thị trường.
Đến bây giờ, những chủ vườn xung quanh vẫn bảo vợ chồng Tuyến – Hùng là “hai đứa ngây” vì không có ai để cho cỏ trong vườn lên cao ngang bụng rồi mới phát cỏ như vợ chồng này.
Nói về chuyện ấy, Tuyến chia sẻ “Các vườn xung quanh người ta dọn cỏ thường xuyên. Còn vườn của vợ chồng tôi, mỗi năm chỉ thuê cắt cỏ 3 lần. Ngoài ra, mỗi năm, vợ chồng tự dùng liềm phát cỏ xung quanh gốc cây một lần, còn cỏ ở xung quanh cứ để vậy để tạo sinh khối và có chỗ trú ngụ cho các loài côn trùng là thiên địch của sâu hại. Tuy vẫn bảo chúng tôi là “ngây”, nhưng bà con trong vùng đã nhìn chúng tôi bằng ánh mắt nể vì hơn bởi vườn của chúng tôi thường xuyên có khách đi ô tô lên tận nơi để tham quan”.