Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng

Cánh đồng trồng lúa ngắn ngày năng suất, chất lượng cao tại xã Công Liêm (Nông Cống).

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng

Trong sản xuất nông nghiệp, việc lựa chọn được những loại giống phù hợp với điều kiện canh tác cùng với tuân thủ nghiêm lịch thời vụ trong gieo trồng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành bại của cả vụ sản xuất. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đã, đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng.

Cánh đồng trồng lúa ngắn ngày năng suất, chất lượng cao tại xã Công Liêm (Nông Cống).

Cánh đồng trồng lúa ngắn ngày năng suất, chất lượng cao tại xã Công Liêm (Nông Cống).

Cánh đồng thôn Mậu Tây, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương nhiều đời nay chỉ được gieo trồng bởi 2 vụ lúa, với tổng thời gian khai thác quỹ đất là 8 tháng, còn lại 4 tháng không sản xuất, nên giá trị sản xuất chỉ đạt khoảng 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận dao động ở mức từ 15 đến 20 triệu đồng/năm. Nguyên nhân chính là do quỹ đất chỉ được khai thác 2/3 thời gian trong năm, hiệu quả kinh tế thấp vì người dân quen sử dụng bộ giống lúa dài ngày, thời vụ gieo trồng chủ yếu là xuân chính hoặc muộn và mùa chính hoặc mùa muộn.

Để khai thác tối đa tiềm năng của quỹ đất nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích sản xuất nông nghiệp, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Quảng Xương, những năm qua, xã Quảng Lưu đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân thay đổi thói quen để chuyển sang các loại giống lúa, giống ngô ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng thay thế cho các giống cũ dài ngày; đồng thời, chỉ đạo bà con nông dân thực hiện lịch gieo cấy theo cơ cấu xuân sớm, xuân chính vụ và mùa sớm, mùa chính vụ. Việc chuyển đổi cơ cấu giống, lịch thời vụ đã giảm thời gian sản xuất của 2 vụ lúa (được rút ngắn khoảng 20 đến 25 ngày). Điều này đã và đang tạo điều kiện về quỹ thời gian để bà con tiến hành sản xuất vụ đông. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân đạt 130 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm so với trước đây.

Tại huyện Nông Cống, việc chuyển đổi cơ cấu giống, thời vụ đã và đang giúp cho hàng nghìn ha lúa của huyện né tránh được tình trạng ngập lụt. Hàng năm, toàn huyện có khoảng 2.000 ha cây trồng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, tập trung chủ yếu ở các xã: Vạn Thắng, Vạn Hòa, Vạn Thiện, Thăng Long, Thăng Thọ, Thăng Bình… Vì vậy, huyện Nông Cống đã chỉ đạo các xã có diện tích thường xuyên bị ngập lụt chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thực hiện lịch gieo trồng sớm hơn 10 đến 15 ngày so với lịch thời vụ gieo trồng đại trà để né lụt. Nhờ vậy, nên nhiều năm nay, những diện tích nằm trong vùng trũng thấp đều tránh được tình trạng ngập úng, năng suất bình quân đạt từ 55 đến 60 tạ/ha/vụ. Đối với những diện tích lúa không thuộc vùng ngập lụt, huyện định hướng sản xuất theo vùng tập trung sử dụng từng giống lúa phù hợp với từng chân đất, từng cánh đồng để vừa phát huy ưu điểm của giống, vừa quản lý điều tiết nước, làm đất, gieo cấy, chăm sóc cây trồng hiệu quả. Đáng chú ý, huyện Nông Cống đang tích cực chỉ đạo thực hiện mục tiêu mỗi cánh đồng chỉ gieo cấy 1 đến 2 giống lúa, mỗi xã chỉ cơ cấu 3 đến 4 giống chủ lực để tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả cao. Trong vụ thu mùa năm nay, huyện ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, không nhiễm các loại sâu bệnh, mở rộng diện tích trà lúa mùa cực sớm và sớm để né tránh mưa bão, sâu bệnh thường diễn ra vào thời điểm cuối vụ.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh ta thường bắt đầu muộn và kết thúc muộn. Vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và lựa chọn được bộ giống cây trồng phù hợp được xem là yếu tố quan trọng để có được vụ sản xuất thắng lợi. Theo đó, ngành nông nghiệp đang định hướng cho các địa phương đẩy mạnh sản xuất lúa mùa cực sớm, mùa sớm và mùa chính vụ, giảm dần diện tích mùa muộn để né tránh lụt bão; đồng thời, ưu tiên lựa chọn các giống lúa ngắn ngày, không nhiễm các loại sâu bệnh. Hiện, tỷ lệ sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật là 90% đối với lúa, 95% đối với ngô, 80% đối với rau màu, 90% đối với cây công nghiệp; ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống hoa đồng tiền, hoa lan, công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả an toàn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển đổi cơ cấu giống và lịch thời vụ đã và đang góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vụ thu mùa, với lợi nhuận bình quân đạt 37 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận một số cây trồng chính, như: Lúa đạt lợi nhuận 12 triệu đồng/ha, ngô 10 triệu đồng/ha, lạc 16 triệu đồng/ha, cây thức ăn chăn nuôi 21 triệu đồng/ha, cây rau các loại 39 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu giống và lịch thời vụ còn giúp tạo quỹ thời gian, quỹ đất để bà con sản xuất vụ đông, từ đó nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp.

Bài Và Ảnh: Hương Thơm

Share this post