Lúa đông xuân Bình Định đối diện áp lực sâu, bệnh lớn
Vụ lúa đông xuân ở Bình Định đang bị sâu bệnh hoành hành, các ngành chức năng tỉnh này đang nỗ lực hướng dẫn nông dân phòng, chống.
Nhiều sâu bệnh hại hoành hành
Ðến thời điểm này, nông dân Bình Định đã gieo sạ được gần 47.000ha vụ lúa đông xuân 2020-2021. Cây lúa vừa mới lớn đã gặp phải thời tiết bất lợi khiến nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Hiện ngành chức năng, chính quyền các địa phương và nông dân tỉnh Bình Định đang áp dụng nhiều giải pháp phòng chống sâu bệnh hại để bảo vệ cây lúa.
Từ đầu vụ đến nay, thời tiết trên địa bàn Bình Định diễn biến khá phức tạp. Trong thời gian dài trời không có nắng, mưa lạnh kéo dài, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn khiến cho bệnh vàng lá phát sinh, chuột và ốc bươu vàng cũng đã xuất hiện phá hại lúa cục bộ ở nhiều vùng.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, lúa đông xuân 2020-2021 trên chân cao sạ cưỡng hiện đang đứng cái làm đòng, lúa chân 3 vụ/năm đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, lúa chân 2 vụ/năm đang giai đoạn đẻ nhánh.
Lúa đông xuân ở tỉnh này đang bị bọ trĩ gây hại cục bộ trên diện tích lúa chân 2 vụ/năm, tỷ lệ hại phổ biến từ 1-3%. Chuột phát sinh gây hại trên các trà lúa từ giai đoạn lúa mầm, đẻ nhánh. Tỷ lệ hại cục bộ 3-5%, tập trung tại các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn.
Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên lúa chân cao sạ cưỡng giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái, tỷ lệ bệnh cục bộ 5-7%. Ngoài ra, bệnh vàng lá, khô đầu lá, ốc bươu vàng, dòi đục lá cũng gây hại cục bộ trên lúa 3 lá, đẻ nhánh.
Toàn ngành nỗ lực bảo vệ lúa
Trong thời tiết lạnh như cắt da,, mới sáng sớm mà vợ chồng ông Hà Công Đức ở xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) đã ra đồng chăm sóc, bảo vệ lúa. Ông Đức cho biết: “Hơn một tuần nay, ngày nào vợ chồng tôi cũng ở ngoài đồng, tối mịt mới về. Đầu vụ, gia đình tôi đã tốn không ít tiền để cải tạo ruộng bị sa bồi thủy phá. Nay lúa mới gieo sạ bị chuột cắn phá, bệnh vàng lá cũng phát sinh. Sau khi mua bạt bao bọc xong 2 sào lúa, phòng ngừa chuột cắn phá, vợ chồng tôi tiếp tục tỉa dặm lúa và phun thuốc phòng trừ bệnh vàng lá”.
Theo ông Võ Duy Tín, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, ngành chức năng huyện này cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang tích cực hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa.
UBND các xã, thị trấn cũng đang tích cực chỉ đạo các hội, đoàn thể cùng với nông dân diệt chuột. Vụ này, huyện tiếp tục áp dụng chính sách động viên nông dân bằng việc thu mua đuôi chuột với mức 2.000 đồng/đuôi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện 50%, tính đến nay các HTXNN trên địa bàn đã thu mua được hơn 12.000 đuôi chuột.
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định, trong thời gian tới đây bệnh vàng lá sinh lý sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa đẻ nhánh, đứng cái. Riêng diện tích lúa chân cao sạ cưỡng giai đoạn đứng cái trên chân đất cát, đất nhiễm phèn, ruộng thiếu nước sẽ bị nhiễm nặng cục bộ trong điều kiện không khí lạnh tiếp tục tăng cường.
Bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ trên lúa chân cao sạ cưỡng giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Chuột cũng tiếp tục gây hại trên các trà lúa từ làm mầm, đẻ nhánh, đáng quan ngại nhất là diện tích ruộng ven làng, gò đồi sẽ bị gây hại nặng cục bộ. Ngoài ra, ốc bươu vàng cũng sẽ tiếp tục gây hại trên lúa giai đoạn mầm, 3 lá, đẻ nhánh ở các vùng ruộng trũng thấp và bọ trĩ, dòi đục lá, sâu keo gây hại cục bộ lúa 3 lá, đẻ nhánh.
Để bảo vệ lúa trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, ngành nông nghiệp Bình Định đã tư vấn, hướng dẫn nông dân các địa phương sử dụng phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách).
Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định, bệnh vàng lá sẽ phát sinh nhiều khi nhiệt độ xuống thấp. Để chữa trị đạt hiệu quả cao, cứ mỗi sào, nông dân cần bổ sung 2kg phân DAP, 2kg phân kali kết hợp phun thêm phân bón qua lá phù hợp, giữ mực nước trên ruộng khoảng từ 3-5cm. Nông dân cũng tăng cường diệt trừ ốc bươu vàng, diệt chuột, nhưng tuyệt đối không kéo điện ra đồng để bẫy chuột.
“Với quyết tâm giành thắng lợi vụ đông xuân 2020-2021, thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu, Sở NN-PTNT Bình Định chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng ở địa phương thường xuyên vận động nông dân xuống giống, đảm bảo kế hoạch sản xuất, đồng thời bám sát đồng ruộng để nắm diễn biến sâu bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp bảo vệ lúa trong điều kiện rét đậm, rét hại và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định nhấn mạnh.