Nam Định: Bắp niễng rớt giá

Người dân bán bắp niễng bên ven đường. Ảnh: Mai Chiến.

Nam Định: Bắp niễng rớt giá

So với cùng kì năm ngoái, năm nay giá bán bắp niễng thấp hơn. Vậy, nguyên nhân do đâu khiến giá niễng xuống thấp đến vậy…

Người dân thu hoạch bắp niễng. Ảnh: Mai Chiến.

Người dân thu hoạch bắp niễng. Ảnh: Mai Chiến.

Hàng năm, cứ vào cuối tháng 9 âm lịch, bà con nông dân xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định lại tất bật vào vụ thu hoạch bắp niễng. Niễng là loài cây thường mọc ở dưới nước hay đất nhiều bùn; cao trên 1m, lá hình mác. Củ niễng hình chùy dài, phồng to, có đường kính từ 2 – 3cm, dài 5 – 6cm.

Theo người dân nơi đây, cây niễng bén duyên với vùng đất trũng này đã gần 20 năm và được ví là cây làm giàu, giúp người dân có thu nhập ổn định. Bởi, cây niễng rất dễ trồng, dễ canh tác, ít sâu bệnh. Hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với trồng lúa, gấp 2 – 5 lần.

Cây niễng được trồng từ tháng Giêng. Nếu được mùa, được giá, mỗi sào thu về 7 – 8 triệu đồng, thậm chí có thể hơn. Ngoài thu hoạch bắp niễng, bà con nông dân nơi đây còn lựa chọn những khóm lá đẹp, cắt đem bán cho các cơ sở đan lát mây tre đan để tăng thêm thu nhập.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nên củ niễng rất to, trắng và ăn rất giòn. Song, vụ niễng năm nay giá bán bấp bênh, khiến bà con không vui.

Người dân bán bắp niễng bên ven đường. Ảnh: Mai Chiến.

Người dân bán bắp niễng bên ven đường. Ảnh: Mai Chiến.

Di dọc tuyến đường Lê Đức Thọ nối liền với QL.38B, hướng lên thành phố Hà Nội, không khó bắt gặp những ruộng niễng xanh rập rờn, trải dài tít tắp trên các cánh đồng; niễng tốt quá đầu người, dưới ruộng bà con đang cắt tỉa bắp niễng.

Tôi dừng xe ở một điểm bán củ niễng ven đường, tạt vào hỏi giá niễng được bán ra sao, người phụ nữ bán niễng ngao ngán: “Năm nay, giá niễng rẻ và xuống giá nhanh quá, chú mua giúp tôi mấy bó”.

Theo người phụ nữ này, từ đầu vụ cho đến thời điểm hiện tại, niễng được bán dao động 1.000 – 2.000đ/bắp, tùy vào từng loại. Do giá bán thấp hơn mọi năm, nên người trồng niễng buồn rười rượi, mặt ỉu xìu, méo xệch như bánh đa gặp nước.

Bà Nguyễn Thị Thoa, xóm 8, xã Nghĩa An chia sẻ, gia đình bà đang canh tác hơn 4 sào niễng. Mọi năm, giá bán cao, thị trường đầu ra ổn định, không chỉ riêng gia đình bà mà nhiều hộ trồng niễng nơi đây ai cũng phấn khởi.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân bấp bênh nên nhiều nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh, thành phố tiêu thụ các món chế biến từ bắp niễng không được nhiều. Do đó, thị trường đầu ra không sôi nổi, không ổn định; giá bán lao dốc không phanh. Không những thế, thương lái thi nhau ép giá.

“So với thời điểm năm ngoái, năm nay giá niễng thấp hơn. Hiện, giá bán buôn dao động từ 1.000 – 1.500đ/bắp, giá bán lẻ khoảng 2.000đ/bắp. Do gia đình không có người đi bán dạo, bán lẻ nên đành phải đổ buôn cho các thương lái”, bà Thoa giãi bày.

Niễng được trồng từ tháng Giêng hàng năm, kéo dài đến tháng 9 âm lịch mới cho thu hoạch. Ảnh: Mai Chiến.

Niễng được trồng từ tháng Giêng hàng năm, kéo dài đến tháng 9 âm lịch mới cho thu hoạch. Ảnh: Mai Chiến.

Ngồi bán bắp niễng ở ngoài ven đường, anh Mai Khả Tập (xóm 8, xã Nghĩa An) buồn bã, ngồi từ sáng đến hơn 9h chưa bán được bó niễng nào. Năm nay, đầu ra bế tắc và giá rẻ hơn mọi năm.

“Nguyên nhân do đâu mà giá bán rẻ vậy?”, tôi hỏi. Anh Tập phân trần: “Có thể do ảnh hưởng dịch Covid-19 xảy ra trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều cửa hàng, quán ăn buộc phải đóng cửa vì không cầm cự nổi, nên đầu ra cho niễng không được thuận lợi, từ đó kéo theo giá bán buộc phải hạ xuống”.

Theo anh Tập, năm ngoái thời điểm đầu vụ giá niễng dao động từ 3.000 – 3.500đ/bắp loại to; song năm nay loại to chỉ còn 1.500 – 2.000đ/bắp. Nếu như mọi năm, trung bình mỗi ngày anh bán được khoảng 100 bó, mỗi bó 10 bắp; thì năm nay số lượng bán ra chỉ khoảng 50 – 60 bó/ngày.

Theo thống kê, toàn xã Nghĩa An đang canh tác khoảng 10ha niễng. Trong đó, niễng được trồng chủ yếu ở xóm 8. Người dân cho biết, trồng niễng không phải phun thuốc BVTV, giai đoạn niễng đẻ nhánh chủ yếu bón phân, đạm cho niễng phát triển. Trồng niễng như cấy lúa, tuy nhiên khoảng cách rộng hơn, hàng cách hàng 80cm, cây cách cây 70cm.

Share this post