Ngô biến đổi gen ở Việt Nam tăng diện tích 26 lần trong 5 năm

Mô hình trồng ngô biến đổi gen ở Phú Thọ. Ảnh: Bùi Trần

Ngô biến đổi gen ở Việt Nam tăng diện tích 26 lần trong 5 năm

Diện tích trồng ngô biến đổi gen ở Việt Nam đang có mức tăng trưởng rất nhanh khi năm 2015 chỉ có 3.500 ha nhưng đến năm 2019 đã lên tới 92.000 ha, cao gấp 26 lần so với năm 2015.

Mô hình trồng ngô biến đổi gen ở Phú Thọ. Ảnh: Bùi Trần

Mô hình trồng ngô biến đổi gen ở Phú Thọ. Ảnh: Bùi Trần

Đó là thông tin được chia sẻ tại hội nghị với chủ đề: Đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức quốc tế ứng dụng và tiếp thu công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) tổ chức chiều 7.4 tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, cây trồng công nghệ sinh học (biến đổi gen) đã được chính thức được cấp phép canh tác thương mại từ 2014 – 2015 trên cây ngô. Ngô là một trong các cây trồng chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nước ta cũng là một trong các quốc gia canh tác ngô nhiều nhất trên thế giới.

Năm 2019, tổng diện tích canh tác ngô biến đổi gen khoảng 92.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước. Đáng lưu ý, diện tích ngô biến đổi gen ở Việt Nam có mức tăng trưởng cao. Trong năm 2015, Việt Nam chỉ có 3.500 ha, chiếm chưa tới 1% tổng diện tích. Nhưng đến nay, diện tích ngô biến đổi gen năm 2019 đã tăng hơn 26 lần, chỉ so sánh riêng giai đoạn 2018 – 2019, diện tích trồng ngô biến đổi gen đã tăng trưởng là 86%.

Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam phối hợp với Viện PG Economics (Anh Quốc) đã tiến hành một nghiên cứu đánh giá và phân tích tác động của cây ngô công nghệ sinh học với các tính trạng chuyển gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ sau 5 năm canh tác. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên ở cấp độ nông hộ tại 7 vùng sinh thái tại Việt Nam về cây trồng biến đổi gen.

Kết quả cho thấy, năng suất thu hoạch được của các giống ngô biến đổi với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2 – 30%.

Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô biến đổi gen cũng gia tăng với mức từ 196 – 330 USD/ ha, tương đương với khoảng 4,5 – 7,6 triệu đồng/ha. Đặc biệt, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô biến đổi gen giảm đáng kể, với thuốc trừ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Xuân Định, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết kết quả nghiên cứu công bố hôm nay củng cố thêm các dữ liệu thực tế chứng minh việc đưa các giống ngô biến đổi gen vào sản xuất là một quyết định đúng, được xem là công cụ quan trọng giúp nông dân tăng thu nhập. Ngô biến đổi gen góp phần đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi một cách chủ động hơn đồng thời cải thiện vai trò cây ngô trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

P.Hậu (Báo Thanh Niên)

Share this post