Nông dân chê hồ tiêu, sản lượng niên vụ 2020-2021 giảm mạnh

Trồng tiêu theo hướng sạch bệnh, bền vững được xem là giải pháp cho ngành hồ tiêu hiện nay. Ảnh: Nam Bình.

Nông dân chê hồ tiêu, sản lượng niên vụ 2020-2021 giảm mạnh

Hồ tiêu từng được xem là “vàng đen” và được phát triển mạnh cả về diện tích, sản lượng ở các tỉnh Tây nguyên và vùng Đông Nam bộ trong những năm qua, nhưng trong niên vụ 2020-2021 đang chuẩn bị vào kỳ thu hoạch, sản lượng loại vàng đen này được dự báo sẽ giảm mạnh nhất trong vòng năm năm qua.

Từ cuối năm 2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) thành lập đoàn khảo sát tình hình vụ tiêu năm 2020-2021 tại một số địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy sản lượng hồ tiêu tại một số tỉnh năm nay đã giảm mạnh nhất trong vòng năm năm qua.

Sản lượng hồ tiêu niên vụ 2020 - 2021 dự báo giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Ảnh: Nam Bình.

Sản lượng hồ tiêu niên vụ 2020 – 2021 dự báo giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Ảnh: Nam Bình.

Nắng hạn đột ngột xảy ra vào thời điểm cây ra hoa và sự thiếu đầu tư chăm sóc cây đã khiến chùm tiêu thưa hạt. Tại huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), ông Bùi Quốc Hai, Chủ nhiệm hợp tác xã Hưng Phước, cho biết sản lượng thu hoạch trong mùa vụ 2020 – 2021 của hợp tác xã chỉ ước đạt khoảng 90 – 100 tấn, giảm mạnh so với mức 300 tấn trong năm 2020 và 400 tấn thu hoạch được trong năm 2019.

Theo ông Hai, chi phí đầu tư cho trồng tiêu ngày càng tăng, nhất là giá nhân công chăm sóc, thu hoạch tiêu. Trong khi giá bán ra hiện nay giao động quanh mức 54.000 đồng/kg, không đủ chi phí đầu tư khiến nông dân không còn mặn mà với “vàng đen” nữa.

Riêng 5ha hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ của ông Hai, dù đã được doanh nghiệp thu mua cộng tiền thưởng cho sản phẩm sạch thì với mức giá hiện tại, doanh thu mang về chỉ bù đắp được 50% chi phí bỏ ra.

Gia Lai là một trong các tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất vùng Tây nguyên. Năm nay, các huyện Chư Sê, Đăk Đoa, Mang Yang đều ghi nhận diện tích thu hoạch sụt giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với năm 2017, là năm diện tích hồ tiêu của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng năm năm qua.

Nhiều nông dân không mặn mà với cây tiêu nên đã không chăm sóc hoặc chặt bỏ để trồng loại cây mới. Ảnh: Nam Bình.

Nhiều nông dân không mặn mà với cây tiêu nên đã không chăm sóc hoặc chặt bỏ để trồng loại cây mới. Ảnh: Nam Bình.

Chỉ tính riêng tại hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), diện tích hồ tiêu còn lại trong niên vụ năm nay chỉ khoảng 20ha trên tổng số gần 60ha.

Trong bốn thôn tại xã Hải Yang, (huyện Đăk Đoa) chỉ còn lại 1 thôn với 20 hộ còn duy trì đầu tư cho vườn tiêu và canh tác theo hướng hữu cơ. Diện tích hồ tiêu của các thôn còn lại trong xã hầu như bị xóa sổ. Sản lượng hồ tiêu của Gia Lai vụ 2020 – 2021 được dự đoán có thể giảm 60%.

Nông dân không còn mặn mà với “vàng đen” một thời, không đầu tư chăm sóc khiến diện tích trồng tiêu giảm mạnh. Ở phần diện tích còn đang phát triển, theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đang được người trồng tiêu đầu tư theo hướng tiêu sạch, tiêu hữu cơ.

Điều này giúp hồ tiêu Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản tại các thị trường nhập khẩu như EU.

Trồng tiêu theo hướng sạch bệnh, bền vững được xem là giải pháp cho ngành hồ tiêu hiện nay. Ảnh: Nam Bình.


Trồng tiêu theo hướng sạch bệnh, bền vững được xem là giải pháp cho ngành hồ tiêu hiện nay. Ảnh: Nam Bình.

Tại Đồng Nai, Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc hợp tác xã hồ tiêu Lâm San cho biết trong nhiều năm qua, hợp tác xã Lâm San đã triển khai dự án cánh đồng lớn trồng tiêu sạch từ khâu sản xuất đến tiêu thụ với quy mô trên 877 ha với 721 hộ tham gia. Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho các thành viên tham gia chuỗi liên kết với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường; đầu tư khu sơ chế làm tiêu sọ và xuất khẩu tốt sản phẩm tiêu sạch vào thị trường khó tính châu Âu,…

Tuy nhiên, dự án cánh đồng lớn sản xuất, tiêu thụ tiêu sạch của hợp tác xã Lâm San cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai vì giá tiêu thấp khiến một số nông dân không mặn mà đầu tư cho cây tiêu.

Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ cho nông dân tham gia chuỗi liên kết như hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, hỗ trợ làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… chưa thật sự kịp thời. Do đó, Lâm San còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục, hồ sơ, nguồn vốn đầu tư hệ thống kho bãi, khu sơ chế, đóng gói.

Trong thời gian tới, hợp tác xã này mong muốn được cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ để có thể tiếp cận các chính sách đãi tài chính, đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục để có thể vay vốn ưu đãi, đầu tư cho vườn tiêu cũng như xây dựng kho bãi, xưởng sơ chế, đóng gói đúng quy định, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Nam Bình (thesaigontimes)

Share this post