Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp điều băn khoăn trước đơn hàng mới

Sự cố kênh đào Suez khiến nhiều lô hàng điều nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam trễ hạn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến điều nhân. Ảnh: Nam Bình

Thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp điều băn khoăn trước đơn hàng mới

Sự cố kênh đào Suez bị “tắc đường” khiến hàng loạt lô điều thô nhập khẩu từ Châu Phi về Việt Nam bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, năm nay các nước xuất khẩu điều nguyên liệu (chủ yếu ở Châu Phi) có xu hướng hạn chế bán điều thô, tăng giá bán… khiến doanh nghiệp Việt Nam càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu.

Xuất khẩu tăng, lượng nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng theo

Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2020, Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều và là nước làm chủ công nghệ chế biến điều.

Theo đó, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hơn 511.000 tấn điều nhân, thu về 3,2 tỉ đô la Mỹ. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu điều nhân vượt mốc 500.000 tấn. Trước đó, năm 2019, lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 455.000 tấn.

Dù là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, tuy nhiên, Việt Nam phải nhập khẩu lượng lớn (khoảng 80%) điều nguyên liệu (điều thô), chủ yếu các nước như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Guinea Bissau, Benin, Togo, Burkina Faso, Mozambique…

Mới đây, sự cố “tắc đường” ở kênh đào Suez do siêu tàu Ever Given mắc cạn đã ảnh hưởng tới việc nhập khẩu điều nguyên liệu của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam. Vì hầu hết lượng điều thô nhập khẩu từ Châu Phi muốn về Việt Nam đều phải đi qua kênh đào này.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tanimex LA (tỉnh Long An) – một doanh nghiệp top đầu trong ngành điều, cho biết, doanh nghiệp ông có khoảng 1.000 tấn nguyên liệu nhập khẩu đợt này bị đối tác báo sẽ về trễ khoảng một tháng so với thời gian dự kiến. Việc này sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong những tháng tới của Tanimex LA.

Theo ông Thanh, thị trường điều thô năm nay có nhiều biến động, một số doanh nghiệp chế biến điều mua gom nguyên liệu khiến giá điều thô bị đẩy lên. Hơn nữa, các nước xuất khẩu điều thô cũng đưa ra chính sách hạn chế bán điều giá thấp. Do đó, mặt bằng chung giá điều nguyên liệu tăng hơn năm trước.

“Dù giá điều thô tăng nhưng giá điều nhân lại không tăng nhiều, do đó, doanh nghiệp không nên nhập khẩu nhiều điều thô nếu giá nhập ở mức cao”, ông Thanh khuyến cáo.

Sự cố kênh đào Suez khiến nhiều lô hàng điều nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam trễ hạn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến điều nhân. Ảnh: Nam Bình

Sự cố kênh đào Suez khiến nhiều lô hàng điều nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam trễ hạn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến điều nhân. Ảnh: Nam Bình

Ngoài ra, các nước bán điều thô cho Việt Nam đều có xu hướng tăng chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu điều thô. Do đó, về lâu dài, nguồn nguyên liệu điều nguyên liệu cho Việt Nam sẽ bị thiếu hụt. Cũng theo ông Thanh, điều đáng mừng là xuất khẩu điều tới thời điểm này vẫn khởi sắc, đơn hàng dồi dào.

Điều cần làm lúc này là các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động kế hoạch sản xuất để đáp ứng đơn hàng đối tác, không hủy hợp đồng, không ham hợp đồng lớn. Theo đó, cần phải cân đối nguồn cung – nhu cầu để đưa ra các quyết định hợp lý về việc thu mua nguyên liệu cũng như ký mới hợp đồng xuất khẩu điều nhân.

Còn theo ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), tất cả các thị trường xuất khẩu điều của Việt Nam đều tiêu thụ tốt và mức tiêu thụ tăng từ 8-10%.

Nỗi lo ngại từ tình trạng thiếu nguyên liệu

Tuy vậy, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Tình trạng này dù không xảy ra ở toàn ngành nhưng nhiều doanh nghiệp vì không có nguồn nguyên liệu dự trữ lâu dài nên không chủ động được sản xuất, xuất khẩu.

Theo ông Huyên, những năm gần đây, công suất chế biến của nhiều nhà máy tăng rất mạnh, trong khi lượng điều nguyên liệu trên thế giới không tăng tương ứng. Ở Việt Nam số lượng nhà máy chế biến điều tăng lên rất nhiều, các doanh nghiệp FDI cũng có tham gia nên chia nguồn nguyên liệu ra khiến các nhà máy thiếu điều thô. Để có đủ nguyên liệu cho chế biến, các nhà máy tranh nhau mua, đẩy giá điều thô tăng lên.

Việc có nhiều đơn vị tham gia vào ngành điều trong khi nhu cầu điều nhân thế giới không tăng nhiều cũng khiến mặt bằng giá điều nhân bị ảnh hưởng theo hướng giảm. Cụ thể, theo ông Huyên, trong quý 1-2021 ngành điều vẫn đang xuất khẩu tốt, tăng mạnh về khối lượng nhưng giá xuất khẩu thấp hơn so với quý 1-2020.

Một nhà máy chế biến điều ở Bình Phước. Ảnh Đình Trường

Một nhà máy chế biến điều ở Bình Phước. Ảnh Đình Trường

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính chung quí 1-2021, xuất khẩu hạt điều cả nước ước đạt 108.000 tấn, trị giá 634 triệu đô la Mỹ, tăng 13,2% về lượng, nhưng giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

“Ngành điều đang chứng kiến sự mất cân đối trong tăng trưởng giữa khâu trồng – chế biến – xuất khẩu. Trong đó, chỉ có khẩu chế biến là tăng mạnh, trong khi sản lượng điều trên thế giới vẫn ổn định, thậm chí giảm, còn nhu cầu điều nhân cũng vậy, không tăng nhiều”, ông Huyên nhận định.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, thủ phủ điều nguyên liệu của cả nước, năm nay sản lượng thu hoạch tại tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của các nhà máy tại địa phương.

Cũng theo Sở này, trong tổng diện tích khoảng 176.000 ha trồng điều của cả tỉnh thì có khoảng 56,5% diện tích là vườn điều già cỗi, có tuổi đời trên 15 năm. Riêng 30.000ha điều tuổi đời trên 25 năm cần phải tái canh mới có thể cho năng suất cao hơn hiện nay.

“Dù là địa phương trọng điểm trồng điều của cả nước nhưng chất lượng vườn điều của Bình Phước xếp ở mức thấp, sản lượng điều trong nước so với tổng lượng điều nguyên liệu cần cho chế biến hằng năm không đáng kể”, báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước nhận định.

Theo VINACAS, khối lượng điều thô nhập khẩu năm 2020 đạt 1,6 triệu tấn, dự kiến năm 2021 nhập khẩu tăng lên 1,8 triệu tấn. Năm 2021, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,9% so với năm 2020. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu nhân điều đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng nhân điều xuất khẩu trên thế giới.

Nam Bình (thesaigontimes)

Share this post