Trồng ấu nhàn tênh, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Ruộng trồng củ ấu của gia đình anh Nguyễn Văn Vân. Ảnh: Hải Tiến

Trồng ấu nhàn tênh, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Trồng ấu rất nhàn, dễ trồng, tận dụng được ruộng trũng. Nhu cầu tiêu thụ ấu rất lớn. Nhiều hộ dân trồng ấu ở Ninh Giang (Hải Dương) thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Ninh Giang (Hải Dương) cho biết, các xã trồng nhiều củ ấu của huyện Ninh Giang là Ứng Hòe gần 40ha, Vạn Phúc 17ha, và Hưng Long khoảng 15ha – ông. Đến nay, huyện Ninh Giang đã cơ bản thu hoạch xong củ ấu, tổng sản lượng ước đạt 500 tấn củ.

Ruộng trồng củ ấu của gia đình anh Nguyễn Văn Vân. Ảnh: Hải Tiến

Ruộng trồng củ ấu của gia đình anh Nguyễn Văn Vân. Ảnh: Hải Tiến

Anh Nguyễn Văn Vân ở xóm 10, thôn Đồng Vạn, xã Ứng Hòe cho hay: Nhà anh trồng 11ha ấu các loại, sản lượng củ thu hoạch đạt ngoài 85 tấn (tương đương cùng kỳ năm trước), bán lẻ được 20.000 đồng 1kg, sỉ 15.000 đồng 1 kg, giá trị sản lượng củ ấu ước đạt 1,35 tỷ đồng, “bỏ ống” hơn 300 triệu đồng trong thời vụ 6 tháng.

Về kỹ thuật trồng ấu, anh Vân cho hay: Trồng ấu rất dễ. Thời vụ xuống giống vào đầu vào tháng 6 hàng năm. Chọn những chân ruộng hay bị ngập úng về vụ mùa. Ruộng càng hẩu càng tốt nhưng phải cày lồng kỹ nhuyễn, loại bỏ triệt để ốc bươu vàng, bón lót 10kg lân supe/ sào (360m2), rồi đưa ấu giống xuống trồng.

Mặt độ trồng 4m2/1 bụi. Phân đạm Urê bón 5kg/sào chia 3 lần (khi ấu bén rễ hồi xanh; sau cấy giống 1 tháng và sau cấy giống 2 tháng). Kali Clorua bón 4kg/ sào chia đều cho 2 lần (khi ấu bắt đầu xuống củ và 20 ngày sau ấu xuống củ). Nhưng từ khi cây ấu chớm hoa, định kỳ 20 ngày/lần cần phun thêm siêu kali qua lá. Duy trì ruộng ấu ngập nước thường xuyên sâu 30-50cm.

Theo dõi phòng trị kịp thời các đối tượng hại ấu, như ốc bươu vàng, cá rô phi (ăn thân và rễ ấu), bọ nhẩy và nấm hại lá.

Từ cuối tháng 10, củ ấu đã bắt đầu chín và cho thu hoạch. Chỉ thu hái những củ nổi trên mặt ruộng, những củ già rụng xuống đáy ruộng mò vớt lên để ươm làm giống. Thời vụ thu ấu thường kéo dài đến đầu tháng 01 năm sau (khoảng 15 ngày thu 1 lứa).

Sau mỗi đợt thu hái củ, có thể phun bón lá đạm, kali, tùy thực tế sinh trưởng của ruộng ấu để tăng, giảm liều lượng và số lần bón phân qua lá.

Củ ấu sau thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến

Củ ấu sau thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến

Chú ý, phải chuẩn bị cây giống ngay từ mùa thu hoạch năm trước (tháng 11). Mò vớt lấy những củ ấu già rụng ở đáy ruộng, mang ươm (ném) xuống kênh mương gần kề. Khi củ ấu bật mầm vươn cây thì nhổ cấy giâm sang góc ruộng đã được chuẩn bị trước. Đến tháng 6 thì thu gom các bụi cây giống trồng ra ruộng sản xuất thương phẩm.

Để có thể canh tác ấu vụ mùa trên diện tích lớn và gieo cấy lúa vụ xuân trên cùng chân ruộng đó, anh Vân đã mua sắm đủ các loại máy móc phục vụ cho cơ giới hóa sản xuất, như máy bơm nước, máy gieo/ sạ hạt giống, máy bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, và máy gặt đập liên hợp…

Nhờ sự đầu tư bài bản này, năm nào anh Vân cũng có được lợi nhuận 500-600 triệu đồng từ luân canh 2 vụ lúa, ấu/ năm.

Anh Nguyễn Văn Tiến (cùng xã Ứng Hòe) trồng 18 mẫu ấu cũng đã thu hoạch và bán được 600 triệu đồng. Dự kiến tới hết vụ anh Tiến còn thu thêm được hơn 100 triệu đồng nữa.

Anh cho biết so với gieo cấy lúa, trồng ấu ít áp lực thời vụ, ít đầu tư phân bón, ít phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lúc nào lợi nhuận cũng cao gấp 2 lần thâm canh lúa. Vào những năm mưa bão nhiều, các ruộng lúa thấp trũng có thể bị mất trắng, riêng ruộng ấu lại càng được mùa.

Ông Vinh ở xã Vạn Phúc thường xuyên trồng hơn 5ha ấu từ hơn 10 năm nay cho biết: Trừ chi phí, mỗi năm anh dư ra được 150 triệu đồng. Trồng ấu nhàn tênh, và cũng chưa có năm nào ấu mất mùa hoặc quá rẻ phải bán như cho. Bao nhiêu thương lãi cũng cân hết. Chỉ sợ không có sức để mở rộng diện tích trồng ấu…

“Củ ấu khi chín, vỏ màu nâu đen, khá cứng và có tai nhọn như sừng hươu. Thịt quả màu trắng đục, ăn dền, bở và bùi, vị ngon rất đặc trưng không giống bất kỳ loại củ, quả đang có hiện nay, chắc chắn ai đã ăn 1 lần rồi, lần sau lại muốn ăn.

Tôi rất mong các ngành chuyên môn trong tỉnh, xếp hạng chứng nhận OCOP cho sản phẩm củ ấu Ninh Giang, để dễ dàng quảng bá hình ảnh”, ông Nguyễn Văn Vân ở xã Ứng Hòe bày tỏ.

Share this post