Thanh long là loại trái cây – hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Hồ Bắc (Trung Quốc) đầu tháng 1.2020. Một chiến dịch “giải cứu” trái thanh long đã được phát động. Đến nay, khi nhiều ngành sản xuất – dịch vụ khác của Việt Nam đang điêu đứng vì dịch bệnh COVID-19 thì trái thanh long đã sớm “hết dịch”, trở lại bình thường.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm một cơ sở chế biến thanh long xuất khẩu ở Long An. Ảnh: Kỳ Quan
“Giải cứu” trái thanh long
Cuối tháng 1.2020, hàng chục ngàn hộ nông dân 2 tỉnh Long An và Tiền Giang như ngồi trên lửa khi trái thanh long chín đỏ cây mà không người mua hoặc mua với giá rẻ “bèo” không đủ chi phí sản xuất. Chỉ riêng tỉnh Long An đã có gần 9.600ha thanh long đang cho trái, sản lượng gần 300 ngàn tấn/năm. Trong đó 70 – 80% tiêu thụ thị trường Trung Quốc, phần nhiều ở tỉnh Hồ Bắc – TP.Vũ Hán, nơi đang bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Hồ Bắc, rồi cả Trung Quốc, giao thương bị ngừng trệ, trái thanh long Việt Nam không xuất khẩu được, sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được tăng nhanh, đến cuối tháng 1 và trong tháng 2.2020 ước tính vào khoảng 30 ngàn tấn. Giá thanh long rớt thê thảm từ gần 40 ngàn đồng/kg, chỉ còn chưa tới 10 ngàn đồng/kg. Thậm chí có khách hàng chỉ hỗ trợ nông dân 4 ngàn đồng/kg và không nhận hàng. Đó đây ven các con đường người ta bày bán hàng đống thanh long với giá 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân chấp nhận bỏ cho trái thanh long chín rục trên cây vì giá bán không đủ chi phí thu hoạch, vận chuyển.
Đầu tháng 2.2020, UBND tỉnh Long An đã phát động chiến dịch “giải cứu” trái thanh long theo hướng vận động tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường sau đó đã đến Long An và Tiền Giang để tìm biện pháp “giải cứu” trái thanh long trong lúc loại trái cây này đang bị tồn ứ nặng nề do thị trường Trung Quốc bị “đóng băng” hậu quả của dịch bệnh COVID-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thị trường Trung Quốc gặp khó khăn là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để tái cơ cấu thị trường cho loại trái cây mang về cho đất nước mỗi năm 2 tỉ USD này. Cần phải tổ chức lại thật tốt chuỗi giá trị cho trái thanh long, từ việc tạo kênh tiêu thụ nội địa rộng rãi để người dân cả nước đều dễ dàng dùng loại trái cây này, đến mở rộng thị trường nước ngoài. Cùng với việc tiêu thụ trái thanh long tươi cho thị trường nội địa và các nước lân cận, cần mở rộng đầu tư, chế biến loại trái cây này nhằm đưa đi xa hơn, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn, hiệu quả lớn hơn…
Những giải pháp kịp thời, đúng hướng của các địa phương và Bộ NNPTNT đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thị trường tiêu thụ dần được khơi thông, giá thanh long nhích lên dần và đến nay đã gần ngang bằng với trước khi có dịch.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An – ông Nguyễn Quốc Trịnh, nguyên nhân chính giúp giá thanh long phục hồi là do các cửa khẩu ở biên giới phía Bắc được thông quan trở lại (cho các xe container) trước tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đang dịu dần. Cùng với đó, những nỗ lực xuất khẩu thanh long bằng đường biển và tàu hỏa (cũng sang thị trường Trung Quốc) đã góp phần giải phóng lượng hàng tồn kho khá lớn trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh hồi tháng trước. Đồng thời, việc chung tay “giải cứu” thanh long bằng cách tăng cường tiêu thụ nội địa, chế biến nhiều mặt hàng từ thanh long, mở rộng thị trường xuất khẩu… cũng góp phần giúp giá thanh long phục hồi nhanh.
Huyện Nông thôn mới đầu tiên
Trở lại huyện Châu Thành, “thủ phủ” thanh long của tỉnh Long An, trong những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh thu hoạch, chế biến, đóng gói… trái thanh long nhộn nhịp, sôi động, khác hẳn với cảnh đìu hiu, người trồng thanh long bỏ trái chín rục trên cây cách đây vài tháng.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, hàng tồn trong các kho thanh long đã cơ bản giải quyết xong, trong khi thanh long đang thu hoạch (vụ nghịch, phải xông đèn) phần nào bị ảnh hưởng hạn mặn gay gắt vừa qua, làm giảm năng suất. Điều đó làm cho lượng cung đang yếu hơn lượng cầu đang phục hồi nhanh sau dịch bệnh. Hiện mùa mưa đang đến ở Long An và các tỉnh miền Tây, người trồng thanh long đang tập trung cho vụ “thuận” với nhiều hứa hẹn.
Ghé thăm ruộng thanh long của anh Nguyễn Văn Sáu nằm ven Tỉnh lộ 827 thuộc xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, chúng tôi chứng kiến cảnh gia đình anh phấn khởi thu hoạch 3.000m² thanh long ruột đỏ.
Anh Sáu cho biết, cách đây gần 2 tháng, khi thanh long bán không ai mua phải bỏ chín rục trên cây, cũng là lúc ruộng thanh long của anh tới giai đoạn “xông đèn”, cách kích thích thanh long ra hoa, cho trái mùa nghịch. Lúc đó trong nông dân và ngành nông nghiệp có sự tranh cãi quyết liệt xung quanh chuyện có nên “xông đèn” hay không? “Xông đèn” tốn nhiều chi phí (tiền điện), nếu dịch bệnh kéo dài, thanh long không bán được, nông dân càng thêm lỗ. Cuối cùng, hầu hết nông dân đều chấp nhận “xông đèn” với niềm tin dịch bệnh sẽ sớm qua, thanh long sẽ tiêu thụ được. Nay dù dịch bệnh COVID-19 chưa kết thúc, nhưng niềm tin của anh Sáu và bà con đã được đền đáp, hiện giá thanh long ruột đỏ loại 1 đang được mua tại ruộng với giá 35.000 đồng/kg, gần tương đương với thời điểm cuối năm rồi khi dịch bệnh chưa bùng phát.
Vào thời điểm trái thanh long bị bỏ chín rục trên cây hồi đầu tháng 2.2020, tình cờ mà huyện Châu Thành nhận được quyết định công nhận huyện Nông thôn mới (thủ tục đã làm trước đó rất lâu). Được công nhận huyện Nông thôn mới, nhưng Bí thư Huyện ủy Châu Thành – ông Trương Văn Biết – và các cộng sự không chút vui mừng khi bà con trồng thanh long đang điêu đứng. Vì vậy mà huyện Châu Thành chưa tổ chức lễ công bố công nhận huyện Nông thôn mới.
Bây giờ, ông Biết và lãnh đạo huyện Châu Thành đã có thể lên chương trình chuẩn bị cho buổi lễ công bố huyện Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An khi các biện pháp giãn cách xã hội được xóa bỏ. Đó sẽ thật sự là ngày vui lớn của “thủ phủ thanh long” Châu Thành, quê hương cố Giáo sư Trần Văn Giàu và danh thủ Phan Văn Tài Em.
Nguyễn Phấn Đấu (Báo Lao Động)