Áp thuế chống bán phá giá, đường nhập khẩu từ Thái Lan vẫn ồ ạt vào Việt Nam

Sau áp thuế, đường nhập khẩu vẫn ồ ạt "chảy" về Việt Nam. Ảnh: Báo đầu tư.

Áp thuế chống bán phá giá, đường nhập khẩu từ Thái Lan vẫn ồ ạt vào Việt Nam

Đường nhập khẩu vào Việt Nam – chủ yếu là từ Thái Lan – vẫn tiếp tục tăng mạnh, dù đường của quốc gia này đã bị Việt Nam áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức khá cao.

Sau áp thuế, đường nhập khẩu vẫn ồ ạt "chảy" về Việt Nam. Ảnh: Báo đầu tư.

Sau áp thuế, đường nhập khẩu vẫn ồ ạt “chảy” về Việt Nam. Ảnh: Báo đầu tư.

Theo một nguồn tin của KTSG Online, trong tháng 2-2021, lượng đường được các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu về Việt Nam (chủ yếu từ Thái Lan) đạt khoảng 160.000 tấn, tăng khoảng 80% so với tháng trước đó. Điều đáng nói, tháng 2-2021 là thời điểm đường Thái Lan bị Việt Nam ra quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam xác nhận, qua các số liệu báo cáo cho thấy, nhập khẩu đường vẫn tiếp tục tăng cao.

Theo ông Lộc, đã có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu “lách” hàng rào thuế quan khi nhập khẩu đường từ Thái Lan. “Khi bộ Công Thương quyết định áp thuế (với Thái Lan- PV), thì mức thuế nhập khẩu với đường trắng là hơn 40% và đường thô là hơn 30%. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu ghi nhận vào tháng 2 và 3, nhưng bằng cách nào đó, người ta tìm cách để chứng từ nhập đường nằm trước thời điểm áp thuế, tức chỉ chịu mức thuế 5%”, ông cho biết.

Theo ông Lộc, thông tin cụ thể về số liệu, thì đơn vị này chưa thu thập đầy đủ, nhưng lượng đường nhập về và đóng thuế theo quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp là chưa nhiều. “Điều này, dẫn đến một thực tế, khi đường được nhập khẩu nhiều, thì đường sản xuất từ mía trong nước không thể nào cạnh tranh lại”, ông nói.

Trả lời câu hỏi của KTSG Online về việc quy định có thể áp thuế trở về trước nếu xác định có nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng ngành sản xuất trong nước?

Ông Lộc cho rằng, quy định của Luật Quản lý ngoại thương cho rằng, thứ nhất, nếu có số liệu xác định nhập tăng đột biến và  thứ hai có gây ảnh hưởng, thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước sẽ là cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét áp thuế trở về trước.

Trước đó, trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của bên liên quan đề nghị không áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước đối với một số sản phẩm đường mía của Thái Lan.

Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, quy định tại khoản 4 điều 81 và khoản 4 điều 89 Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.

Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể được áp dụng với hiệu lực trở về trước là để phòng chống trình trạng hàng hóa bị điều tra được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra, gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước, theo Cục Phòng vệ Thương mại.

Về góc độ của Hiệp hội mía đường Việt Nam, ông Lộc cho rằng, số liệu thống kê cho thấy đường nhập khẩu không giảm mà còn tăng và tình trạng này đã gây khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất trong nước vì đường sản xuất ra không bán được.

“Ngay từ khi chuẩn bị áp thuế, các doanh nghiệp đã nâng giá mía lên để khuyến khích nông dân quay lại cây mía, trong khi đó, sản lượng đường sản xuất từ mía hiện nay không cao do diện tích mía giảm. Hai yếu tố này đã làm giá thành sản xuất đường rất cao khiến giá bán cao, dẫn đến bị thiệt hại trước đường nhập khẩu (nhập khẩu lách thuế- PV)”, ông Lộc giải thích.

Trước đó, vào ngày 9-2-2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Trong khi đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường tinh luyện từ Thái Lan là 48,88%.

Trung Chánh (thesaigontimes)

Share this post