Phát triển chăn nuôi 2021 – 2030, tầm nhìn 2045: Một chiến lược dài hơi
Chiến lược đặt ra mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi theo hướng toàn diện, hiệu quả và bền vững.
Đổi mới toàn diện
Ngày 19/10, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị “Triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”.
Nhìn lại chặng đường 10 năm (ngày 16/01/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020), dễ thấy ngành chăn nuôi nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Giai đoạn 2008 – 2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5,0 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dư địa của ngành chăn nuôi nước ta còn rất lớn. Từ cơ sở ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… sẽ tiến tới hoàn thiện 5 Đề án có tính chất xương sống. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, đề nghị tất cả các bên liên quan chung sức chung lòng, tập trung trí tuệ cho chiến lược chăn nuôi chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Một số sản phẩm chăn nuôi chủ lực đã đủ điều kiện xuất khẩu, điển hình như thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa… Nhờ đó từng bước khẳng định vững chắc giá trị, thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi trong nước với khu vực và trên thế giới.
Đánh giá tình hình năm 2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch bệnh COVID – 19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm khắp toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ:
“Trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngành nông nghiệp vẫn tạo được sự bứt phá ngoạn mục. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, trong quý 3/2020 tốc độ tăng trưởng đạt 9,67%, qua đó đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng chung của toàn ngành”.
Trên thực tế, trước thềm Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 Thường trực Chính phủ đã có Dự thảo văn bản gửi Bộ Chính trị khẳng định: Nông nghiệp vẫn bệ đỡ, vẫn là trụ cột của nền kinh tế. Dù vậy để phát triển theo hướng bền vững và đáp ứng được nhu cầu của số đông, chắc chắn phải tạo nên bước chuyển mình mang tính toàn diện.
Lúc này cả nước có trên dưới chục triệu hộ nông dân đang gắn bó mật thiết với ngành hàng chăn nuôi. Lĩnh vực này tạo ra sinh kế thường nhật, vẫn là hàng hóa thu chi chính, bằng chứng chỉ riêng chăn nuôi lợn đã thu hút đến 2,4 triệu hộ tham gia. Dù vậy con số 27.000 cơ sở giết mổ quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh, không truy xuất được nguồn gốc là điều đáng bàn.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để làm tốt, hiệu quả đòi hỏi phải triển khai quyết liệt, phải lao động nghiêm túc.
Về phía Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND Hoàng Nghĩa Hiếu thông tin, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 757.000 con trâu, bò (chiếm 8,4% cả nước), trên 65.000 con bò sữa chủ yếu áp dụng quy trình công nghệ cao.
“Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định phát triển chăn nuôi cả về số lượng lẫn chất lượng đối với các loại con nuôi có lợi thế như bò thịt, bò sữa và gia cầm. Tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển tập trung, quy mô công nghiệp, thân thiện với môi trường.
Chúng tôi xác định phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hình thức hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Quá trình thực hiện cần chú trọng công tác phòng, chống dịch, phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên 48 – 48,5%”.
Chăn nuôi tiên tiến
Mục tiêu chung của chiến lược là phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Đến năm 2030, đưa ngành sản xuất chăn nuôi nước ta vào nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Giai đoạn 2021 – 2030 phấn đấu giảm thiểu nhập khẩu bằng cách chủ động nguồn giống cấp bố mẹ và con thương phẩm năng suất cao, đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu giống lợn, 80% giống gà, 100% giống vịt, 70% bò thịt, 65% bò sữa. Từng bước xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống bản địa chất lượng, có lợi thế vùng…
Nhiệm vụ quan trọng nữa là sản phẩm chăn nuôi hàng hóa phải được hình thành chủ yếu trong các trang trại, hộ nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước cũng như tăng cường xuất khẩu.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định phải hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển (đất đai; tài chính và tín dụng; thương mại; khuyến nông và thông tin tuyên truyền).
Đồng thời kết hợp nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y.
Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 20245, căn cứ chức năng được giao Bộ NN-PTNT sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời tích cực chỉ đạo phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ NN-PTNT chủ trì, xây dựng các chương trình và đề án ưu tiên để triển khai hiệu quả mục tiêu và các nội dung mang tính chiến lược. Sẽ tính toán chặt chẽ nguồn cung từng nhóm sản phẩm để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương áp dụng phương án tái đàn phù hợp. Ngoài ra sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lợn đáp ứng kỹ thuật và đảm bảo phòng chống dịch bệnh tốt đầu tư phát triển…
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 gồm 5 Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi (Đề án 1); phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (Đề án 2); phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải (Đề án 3); phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm (Đề án 4); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, khuyến nông và tăng cường năng lực quản lý nhà nước (Đề án 5).